Thủ tục công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam từ 02/11/2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam là việc công nhận trình độ của người học được ghi trên văn bằng theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính và xác định mức độ tương đương với trình độ đào tạo quy định tại Khung trình độ Quốc gia Việt Nam.
(Điều 2 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT)
Theo Điều 7 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT) quy định về hồ sơ công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam như sau:
[1] Người đề nghị công nhận văn bằng cung cấp các thông tin về văn bằng quy định tại Phụ lục I Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT và tải hồ sơ lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi chung là cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng) và thực hiện thanh toán lệ phí theo quy định.
[2] Hồ sơ công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam
Hồ sơ bao gồm:
- Bản sao văn bằng hoặc bản sao từ sổ gốc cấp văn bằng đề nghị công nhận kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt;
- Bản sao phụ lục văn bằng hoặc bảng kết quả học tập kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt;
- Bản sao công chứng văn bằng, chứng chỉ có liên quan trực tiếp (nếu có);
- Minh chứng thời gian học ở nước ngoài (nếu có): Quyết định cử đi học và tiếp nhận của đơn vị quản lý lao động; hộ chiếu, các trang thị thực có visa, dấu xuất nhập cảnh phù hợp với thời gian du học hoặc giấy tờ minh chứng khác;
- Văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng (nếu đơn vị xác thực yêu cầu).
Trình tự công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam được thực hiện như sau:
[1] Tải hồ sơ lên Cổng dịch vụ công trực tuyến
Việc tải hồ sơ lên Cổng dịch vụ công trực tuyến như sau:
- Trường hợp người đề nghị công nhận văn bằng có thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp từ cơ sở giáo dục cấp bằng hoặc cơ quan có thẩm quyền xác thực thì cung cấp thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp cho cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng đồng thời tải lên cổng dịch vụ công trực tuyến: bản quét (scan) các thành phần hồ sơ quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT) (không cần chứng thực bản sao điện tử từ bản chính); chứng thực bản sao điện tử từ bản chính các thành phần hồ sơ quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều 7 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT);
- Trường hợp người đề nghị công nhận văn bằng không có thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp thì thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính các hồ sơ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 7 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT), kèm theo văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng (nếu đơn vị xác thực yêu cầu) và tải lên cổng dịch vụ công trực tuyến;
- Trường hợp không tải hồ sơ lên cổng dịch vụ công trực tuyến, người đề nghị công nhận văn bằng nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng các hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT).
[2] Trong thời hạn 20 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng có trách nhiệm trả kết quả công nhận văn bằng cho người đề nghị công nhận văn bằng. Trường hợp cần xác minh thông tin về văn bằng từ cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc đơn vị xác thực nước ngoài, thời hạn trả kết quả công nhận văn bằng không vượt quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ công nhận văn bằng.
[3] Kết quả công nhận văn bằng được ghi trên giấy công nhận theo mẫu tại Phụ lục II và Phụ lục III Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT. Trường hợp văn bằng không đủ điều kiện công nhận hoặc quá thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT) mà không đủ căn cứ xác minh thông tin về văn bằng, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng phải trả lời bằng văn bản hoặc thư điện tử cho người đề nghị công nhận văn bằng. Trường hợp không xác định được mức độ tương đương của văn bằng với trình độ đào tạo quy định tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng cung cấp thông tin và công nhận giá trị của văn bằng theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính.
[4] Cơ quan có thẩm quyền công nhận bằng lập sổ cấp giấy công nhận, trong đó ghi các thông tin về: họ tên, ngày tháng năm sinh của người được công nhận văn bằng; tên cơ sở giáo dục cấp bằng; hình thức đào tạo; trình độ tương đương với Khung trình độ quốc gia Việt Nam hoặc trình độ theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính; số vào sổ cấp giấy công nhận.
[5] Cơ sở giáo dục đại học tự đánh giá văn bằng để sử dụng trong hoạt động đào tạo lập hồ sơ đánh giá văn bằng và lưu trữ theo quy định.
(Khoản 3, 4, 5, 6, 7 Điều 7 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT)
Dương Thị Hoài Nhi