Đề xuất áp dụng thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày đối với một số bệnh, nhóm bệnh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
31/10/2024 11:15 AM

Bài viết sau có nội dung về đề xuất áp dụng thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày đối với một số bệnh, nhóm bệnh được quy định trong Công văn 1724/KCB-NV năm 2024.

Đề xuất áp dụng thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày đối với một số bệnh, nhóm bệnh

Đề xuất áp dụng thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày đối với một số bệnh, nhóm bệnh (Hình từ Internet)

Ngày 24/10/2024, Cục Quản lý khám, chữa bệnh ban hành Công văn 1724/KCB-NV đề xuất áp dụng thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày đối với một số bệnh, nhóm bệnh.

Đề xuất áp dụng thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày đối với một số bệnh, nhóm bệnh 

Theo nội dung được quy định trong  Công văn 1724/KCB-NV năm 2024 thì ngày 29/12/2017 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư  52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú quy định số lượng thuốc tối đa khi kê đơn đủ sử dụng nhưng tối đa không quá 30 (ba mươi) ngày.

Bộ Y tế nhận được ý kiến về việc điều chỉnh thời gian kê đơn với số lượng thuốc tối đa đối với một số bệnh cần điều trị dài ngày của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) và đề xuất thí điểm kê đơn và cấp phát với số lượng thuốc tối đa cho 02 tháng (60 ngày) tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn của Sở Y tế thành phố Hà Nội.

Tháng 7/2024 Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) đã tổ chức đánh giá thực hiện Thông tư 52/2017/TT-BYT và nhận được đề xuất của nhiều đơn vị, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất điều chỉnh thời gian kê đơn thuốc ngoại trú tối đa. Ngày 13/9/2024, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp về công tác kê đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính với BHXHVN và các đơn vị thuộc Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì cuộc họp, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung như sau:

- Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương/Cơ quan quản lý y tế các Bộ/ngành: Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý nghiên cứu khả năng và nhu cầu áp dụng thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú lớn hơn 30 ngày, tổng hợp danh sách đề xuất.

- Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam: Thông tin đến các Bệnh viện thuộc Hiệp hội, tổng hợp danh sách các Bệnh viện có đề xuất.

- Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế: Nghiên cứu khả năng và nhu cầu triển khai áp dụng thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú lớn hơn 30 ngày tại cơ sở để đề xuất áp dụng.

Văn bản tổng hợp danh sách của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương/Cơ quan quản lý y tế các Bộ/ngành, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, văn bản đề xuất của Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đề nghị gửi về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, số 138A Giảng võ, Ba Đình, Hà Nội, đồng thời gửi file điện tử về email Ngatdo.moh@gmail.com trước ngày 08/11/2024 để tổng hợp.

Sau thời gian trên xin được hiểu rằng các cơ quan, đơn vị không có đề xuất.

Hình thức kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú

Hình thức kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú được quy định cụ thể tại Điều 5 Thông tư 52/2017/TT-BYT như sau:

- Kê đơn thuốc đối với người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Người kê đơn thuốc thực hiện kê đơn vào Đơn thuốc hoặc sổ khám bệnh (sổ y bạ) của người bệnh theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 52/2017/TT-BYT và số theo dõi khám bệnh hoặc phần mềm quản lý người bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Kê đơn thuốc đối với người bệnh điều trị ngoại trú: Người kê đơn thuốc ra chỉ định điều trị vào sổ khám bệnh (sổ y bạ) của người bệnh và bệnh án điều trị ngoại trú hoặc phần mềm quản lý người bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Kê đơn thuốc đối với người bệnh ngay sau khi kết thúc việc điều trị nội trú:

+ Trường hợp tiên lượng người bệnh cần tiếp tục sử dụng thuốc từ 01 (một) đến đủ 07 (bảy) ngày thì kê đơn thuốc (chỉ định điều trị) tiếp vào Đơn thuốc hoặc Sổ khám bệnh của người bệnh và Bệnh án điều trị nội trú hoặc phần mềm quản lý người bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

+ Trường hợp tiên lượng người bệnh cần tiếp tục điều trị trên 07 (bảy) ngày thì kê đơn thuốc theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư 52/2017/TT-BYT hoặc chuyển tuyến về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp để tiếp tục điều trị.

- Kê đơn thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất theo thực hiện theo quy định tại các điều 7, 8 và 9 Thông tư 52/2017/TT-BYT.

Xem thêm Công văn 1724/KCB-NV ban hành ngày 24/10/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,593

Bài viết về

lĩnh vực Y tế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn