Đề xuất hình thức cảnh cáo áp dụng với người chưa thành niên như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
09/05/2024 17:18 PM

Cho tôi hỏi, cảnh cáo (mới) áp dụng với người chưa thành niên được đề xuất như thế nào tại Luật Tư pháp người chưa thành niên? - Minh Phúc (Cần Thơ)

Cảnh cáo (mới) áp dụng với người chưa thành niên được đề xuất như thế nào

Cảnh cáo (mới) áp dụng với người chưa thành niên được đề xuất như thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Căn cứ khoản 1, 2 Điều 4 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên giải thích như sau:

- Người chưa thành niên là người chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Dân sự. 

- Tư pháp người chưa thành niên là các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, chuẩn mực, thủ tục, cơ chế áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội hoặc bị buộc tội, người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng trong tố tụng hình sự, các cơ quan và thể chế được tổ chức nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Ngoài ra, căn cứ Điều 1 Dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh như sau:

Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với bị hại và người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Bên cạnh đó, tại Điều 2 Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của Luật Tư pháp người chưa thành niên như sau:

Luật Tư pháp người chưa thành niên có nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.  

2. Cảnh cáo (mới) áp dụng với người chưa thành niên được đề xuất như thế nào?

Pháp luật hiện tại vẫn chưa có quy định rõ về phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên, nhưng tại Điều 91 Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định cảnh cáo mới như sau:

Cảnh cáo được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. 

Ngoài ra, căn cứ Điều 90 Dự thảo Luật Tư pháp có quy định các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên.

Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm.

+ Cảnh cáo; 

+ Phạt tiền; 

+ Cải tạo không giam giữ;

+ Tù có thời hạn.

3. Đề xuất quy định xóa án tích áp dụng với người chưa thành niên

Quy định xóa án tích hiện nay chỉ được áp dụng chung cho các đối tượng bị kết án tại  Bộ luật Hình sự 2015.

Căn cứ Điều 100 Dự thảo Luật có quy định về xóa án tích áp dụng với người chưa thành niên.

- Người chưa thành niên bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: 

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; 

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; 

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 

+ 03 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; 

+ 06 tháng trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 

+ 01 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 

+ 02 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm.

Nguyễn Minh Khôi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 292

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn