Hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với tiền giường bệnh tại các phòng khám đa khoa khu vực

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
30/12/2023 07:59 AM

Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán tiền giường bệnh tại các phòng khám đa khoa khu vực như thế nào? – Trúc Ly (Hà Nội)

Hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với tiền giường bệnh tại các phòng khám đa khoa khu vực

Hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với tiền giường bệnh tại các phòng khám đa khoa khu vực (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 28/12/2023, Bộ Y tế ban hành Công văn 8253/BYT-KCB thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với tiền giường bệnh tại các phòng khám đa khoa khu vực, dịch vụ kỹ thuật chạy thận nhân tạo và xét nghiệm không thực hiện ngoại kiểm.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế nhận được công văn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các địa phương và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về vướng mắc trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với giường bệnh tại các phòng khám đa khoa khu vực và dịch vụ kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Để giải quyết vướng mắc, đảm bảo thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế có ý kiến như sau:

1. Hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với tiền giường bệnh tại các phòng khám đa khoa khu vực

- Đối với các phòng khám đa khoa khu vực thành lập trước ngày 12/11/2018 - thời điểm có hiệu lực của Nghị định 155/2018/NĐ-CP, được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Sở Y tế giao chỉ tiêu giường bệnh và cho phép điều trị nội trú: thanh toán tiền giường bệnh nội trú của phòng khám đa khoa khu vực theo quy định tại:

+ Thông tư liên tịch Bộ Y tế - Bộ Tài chính 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc;

+ Thông tư 15/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp;

+ Thông tư 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp;

+ Thông tư 13/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2018/TT-BYT.

- Các phòng khám đa khoa khu vực thành lập trước thời điểm Nghị định 155/2018/NĐ-CP, được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Sở Y tế tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu giường bệnh và cho phép điều trị nội trú nhưng do chuyển đổi thành Đơn nguyên điều trị nội trú của bệnh viện, trung tâm y tế huyện theo hướng dẫn tại Công văn 618/BYT-KCB ngày 25/01/2018 của Bộ Y tế. Sau khi Nghị định 155/2018/NĐ-CP ban hành, các đơn nguyên này lại chuyển đổi thành phòng khám đa khoa khu vực. Như vậy, sau khi chuyển đổi, phòng khám đa khoa khu vực lại được thành lập sau khi ngày có hiệu lực của Nghị định 155/2018/NĐ-CP. Trên thực tế, các phòng khám này đã được thành lập và hoạt động trước thời điểm ban hành Nghị định 155/2018/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh tại một số vùng sâu, vùng xa.

Các chi phí tiền giường bệnh của phòng khám đa khoa khu vực thanh toán theo quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 4 Thông tư 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế:

...Đối với trường hợp được Sở Y tế quyết định có giường lưu: áp dụng mức giá bằng 50% mức giá ngày giường nội khoa loại 3 của bệnh viện hạng IV. Số ngày được thanh toán tối đa 03 ngày/người/đợt điều trị. Không thanh toán tiền khám bệnh trong trường hợp đã thanh toán tiền giường lưu.

2. Hướng dẫn thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật chạy thận nhân tạo

- Quy trình số 51 quy định về nhân sự cho đơn vị lọc máu tại “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo” ban hành kèm theo Quyết định 2482/QĐ-BYT ngày 13/04/2018, trong đó quy định điều kiện về nhân lực tại các đơn vị lọc máu là các y tá và trợ lý y khoa phải tham gia khóa đào tạo 6 tháng về kỹ thuật lọc máu, được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định. Qua rà soát và phản ánh của các địa phương, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy quy định này là bất cập, trong thực tế các cơ sở đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo 3 tháng về kỹ thuật lọc máu cho các y tá, trợ lý y khoa. Vì vậy, ngày 04/11/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định 5203/QĐ-BYT về việc bãi bỏ Quy trình số 51.

- Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giám định, thanh toán chi phí thực tế sử dụng cho người bệnh (thuốc, hóa chất, vật tư y tế) của dịch vụ kỹ thuật chạy thận nhân tạo được thực hiện với sự tham gia của y tá hoặc trợ lý y khoa có chứng chỉ đào tạo 3 tháng về kỹ thuật lọc máu từ thời điểm Quyết định 2482/QĐ-BYT ngày 13/04/2018 có hiệu lực cho đến thời điểm Quy trình 51 được bãi bỏ bởi Quyết định 5203/QĐ-BYT.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,190

Bài viết về

Bảo hiểm y tế

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn