Bộ trưởng Hà Hùng Cường và 3 câu hỏi khó

19/08/2013 08:08 AM

Luật, vì thiếu nghị định, thông tư đang trở thành “luật chết, luật treo”. Tình trạng “ngồi trên trời làm luật”. Và những quy phạm “ban hành cho vui” vì không thể thực hiện trong thực tế. Đây là những câu hỏi khó mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ phải đối diện trong phiên chất vấn tại phiên họp Thường vụ QH vào 21.8 tới.

“Nợ đọng” 28,5%: Quy định chi tiết luật, pháp lệnh

Trả lời cử tri trước kỳ họp QH vừa qua, Bộ Tư pháp cho biết trong số 760 nội dung cần quy định chi tiết trong các luật, pháp lệnh được thông qua từ ngày 1.1.2009 đến 30.6.2012, có 611 nội dung được quy định chi tiết. Trong 661 nội dung được quy định chi tiết này, lại tồn tại 225 nội dung chi tiết chưa được quy định chi tiết. Và tỉ lệ, được Bộ trưởng Hà Hùng Cường gọi là “nợ đọng” này, chiếm 28,5%.

Dù là tỉ lệ “nợ đọng” thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng con số 28,5% cũng có nghĩa là 1/3 số quy định chưa thể đi vào thực tế vì thiếu hướng dẫn. Hồi đầu tháng 8, chính Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho rằng: Nghị định, thông tư hướng dẫn luật mà ban hành không kịp thời thì vừa làm chậm quá trình đưa luật vào cuộc sống, có khi tạo khoảng trống pháp lý gây lúng túng cho cơ quan quản lý, người dân.

Có lẽ, câu hỏi tại sao sẽ được đặt ra trong phiên chất vấn tới đây, nhưng điều quan trọng mà cử tri, nhân dân mong được nghe Bộ trưởng trả lời là Bộ Tư pháp sẽ làm thế nào và bao giờ có thể chấm dứt tình trạng “luật chết, luật treo” này.

Đánh trống bỏ dùi

Câu chuyện thời sự là Nghị định 67 quy định: Từ ngày 15.8, muốn kinh doanh, bán lẻ thuốc lá, phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá. Quán trà đá, xe hàng lưu động..., không có điểm cố định, địa chỉ rõ ràng, sẽ không được bán thuốc lá.

Sau khi nghị định có hiệu lực, các quán trà vẫn bán thuốc lá. Nhưng đây chỉ là một ví dụ cho tình trạng mà người dân gọi là những quy định “vui là chính”, tức là văn bản quy phạm ban hành nhưng không thể thực hiện được trong thực tế, không phải vì văn bản đó sai hay không đúng luật, mà do thiếu khả thi.

Chắc chắn Bộ Tư pháp không thể trả lời về con số quán nước, xe, mẹt bán thuốc lá lưu động. Thực tế cũng đã có vô số những tiền lệ. Chẳng hạn quy định “cấm hút thuốc lá nơi công cộng”, cấm sử dụng điện thoại trong khu vực cây xăng, xử phạt đổ rác không đúng nơi quy định, bắt chó mèo chạy rông, dán tem cho “quốc lủi”...

Tình trạng sự hợp lý, hợp pháp, song không thể thực thi, khiến cho những văn bản này chỉ có một tác dụng duy nhất là làm cho tình trạng nhờn luật thêm trầm trọng.

Phải chăng là với tư cách cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề thực thi pháp luật trong lĩnh vực ban hành văn bản quy phạm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ phải đưa ra một trong hai lựa chọn: Hoặc củng cố hệ thống chế tài và kiên quyết thực thi hoặc từ chối ngay từ đầu những văn bản quy phạm biết chắc sẽ không thể thực hiện nổi.

“Ngồi trên trời làm chính sách”

Nhưng những quy phạm kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “vui là chính” hay món “nợ đọng”, dù không ít trầm kha, nhưng không nghiêm trọng bằng tình trạng mà ĐBQH Ngô Văn Minh, trước nghị trường gọi là “ngồi trên trời làm chính sách”.

Từ 2010 đến nay, phải nói người dân và dư luận đã phải chịu quá nhiều quy định dở khóc dở cười.

Nào là: Thịt tươi chỉ được bán không quá 8h. Nào là phạt nặng xe không chính chủ. Cũng là “chính chủ”, còn có quy định “chó mèo chính chủ”. Rồi quy định CMTND ghi tên cha mẹ. Viếng đám ma không quá 7 vòng hoa, không được để ô kính trên nắp quan tài. Và gần đây nhất là ưu tiên cộng điểm cho bà mẹ VNAH.

Trả lời báo chí, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH - ĐBQH Ngô Văn Minh - dẫn quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL phải lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan và đặc biệt quan trọng là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, rồi được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình xem xét, ký ban hành để lý giải: Những văn bản có vấn đề là những văn bản không tuân thủ quy trình, hoặc là ban hành thiếu cân nhắc, thiếu thận trọng, thiếu thực tế, trái với nguyên tắc thực hiện pháp luật.

Và một trong những nguyên nhân quan trọng khác đã được vị ĐBQH nổi tiếng thẳng thắn, nhìn nhận trong hai chữ “quan liêu”. Quan liêu từ người soạn thảo cho đến cơ quan thẩm định.

Câu trả lời của Bộ trưởng Hà Hùng Cường rõ ràng không dễ khi Bộ Tư pháp, theo luật, là cơ quan có trách nhiệm thẩm định, thậm chí có tiếng nói quyết định đối với việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật.

- Trong năm 2012, Bộ Tư pháp phát hiện 4.178/252.798 văn bản quy phạm pháp luật từ cấp trung ương tới địa phương chưa bảo đảm tính hợp pháp.

- “Có trường hợp buổi sáng tôi ngồi ở bộ đang soạn thảo dự thảo, buổi trưa xe chở tôi về cho bộ trưởng ký quyết định thẩm định, Văn phòng Chính phủ ký hồ sơ, tới chiều họ đã gấp rút trình lên Thủ tướng với lý do Thủ tướng đi nước ngoài, không thể chậm được. Vậy là trong một ngày vừa họp cho ý kiến, vừa thẩm định, vừa trình Chính phủ” - Phát biểu của Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp - TS Lê Hồng Sơn - tại Hội nghị về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 14.8.

Anh Đào

Báo Lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,984

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn