Đề xuất 06 loại thức uống không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
16/05/2023 11:32 AM

06 loại thức uống không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là nội dung đề xuất của Bộ Tài chính trong dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi.

Đề xuất 06 loại thức uống không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Đề xuất 06 loại thức uống không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (Hình từ Internet)

Bộ Tài chính đã gửi hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi cho Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định.

Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi

Đề xuất 06 loại thức uống không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Cụ thể tại hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung “nước giải khát có đường (nước ngọt) theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đó, 6 loại thức uống sau đây sẽ được loại trừ không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm:

(1) Sữa;

(2) Thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng;

(3) Nước khoáng thiên nhiên

(4) Nước uống đóng chai

(5) Nước rau, quả và nectar (mật) rau, quả

(6) Sản phẩm từ cacao.

Hiện hành tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12828:2019, nước giải khát bao gồm nước giải khát có ga, nước uống tăng lực, nước điện giải, nước uống thể thao, nước giải khát có chứa chè, nước giải khát có chứa cà phê và nước giải khát có chứa nước trái cây.

Các đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc hiện nay

Đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 (sửa đổi 2014), cụ thể như sau:

- Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, bao gồm:

+ Hàng viện trợ nhân đạo, hàng viện trợ không hoàn lại, bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, hàng trợ giúp nhân đạo, hàng cứu trợ khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh;

+ Quà tặng của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;

+ Quà biếu, quà tặng cho cá nhân tại Việt Nam theo định mức quy định của pháp luật.

- Đối với hàng quá cảnh, mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng chuyển khẩu quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 3 của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, bao gồm:

+ Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam;

+ Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam;

+ Hàng quá cảnh, mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trên cơ sở Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài hoặc giữa cơ quan, người đại diện được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài ủy quyền;

+ Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam.

- Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch; tàu bay sử dụng cho mục đích: phun thuốc trừ sâu, chữa cháy, quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ, an ninh, quốc phòng.

Trường hợp tàu bay, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch; tàu bay không sử dụng cho mục đích: phun thuốc trừ sâu, chữa cháy, quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ, an ninh, quốc phòng thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và hướng dẫn của Bộ Tài chính

Trường hợp tàu bay, du thuyền không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch và mục đích an ninh quốc phòng thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

-  Đối với xe ô tô quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là các loại xe theo thiết kế của nhà sản xuất được sử dụng làm xe cứu thương, xe chở phạm nhân, xe tang lễ; xe thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên;

Xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông và các loại xe chuyên dụng, xe không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông do Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan quy định cụ thể.

- Đối với điều hòa nhiệt độ là loại có công suất từ 90.000 BTU trở xuống theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải, bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, tàu bay.

- Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ hai loại hàng hóa sau: Hàng hóa đưa vào khu được áp dụng quy chế khu phi thuế quan có dân cư sinh sống, không có hàng rào cứng và xe ô tô chở người dưới 24 chỗ.

(Điều 3 Nghị định 108/2015/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 14/2019/NĐ-CP))

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,486

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn