Ai có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
17/03/2023 11:00 AM

Tôi muốn hỏi ai có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước? - Tuấn Vũ (Bình Dương)

Ai có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước?

Ai có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 được thông qua ngày 28/02/2023 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

1. Xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước là gì?

Theo khoản 2 Điều 2 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15,  xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Pháp lệnh này đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

2. Ai có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước?

Theo Điều 16 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15, các đối tượng  thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước bao gồm: Trưởng đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng; Trưởng đoàn kiểm toán nhà nước.

Cụ thể, thẩm quyền xử phạt của từng đối tượng như sau:

(1) Trưởng đoàn kiểm toán có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 Điều 6 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15.

(2) Kiểm toán trưởng có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực kiểm toán nhà nước;

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 Điều 6 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15.

(3) Trưởng đoàn kiểm toán nhà nước có thẩm quyền xử phạt quy định tại (1) đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc kiểm toán trong thời hạn kiểm toán theo quy định Luật Kiểm toán nhà nước.

3. Các hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

Các hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 5 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15, cụ thể như sau:

- Các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (sửa đổi 2019), cụ thể:

+ Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán:

(i) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

(ii) Cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;

(iii) Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;

(iv) Mua chuộc, đưa hối lộ cho Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên Kiểm toán nhà nước;

(v) Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công.

+ Nghiêm cấm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước.

- Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán quy định tại Điều 57 và Điều 58 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (sửa đổi 2019).

- Hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước quy định tại Điều 68 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 (sửa đổi 2019).

Điều 68. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, khách quan của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước bằng văn bản và có trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, gửi báo cáo kết quả thực hiện cho Kiểm toán nhà nước.

3. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan khác của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu để phục vụ cho Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 4 Điều 10 của Luật này.

Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 01/5/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,760

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn