12 điểm mới của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
04/03/2023 15:09 PM

Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) có một số điểm mới nổi bật như: Bổ sung quy định về cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi, mở rộng thêm đối tượng là công dân và người gốc Việt Nam, bổ sung quy định căn cước công dân điện tử,..

12 điểm mới của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

12 điểm mới của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) (Hình từ Internet)

Những điểm mới về căn cước công dân

1. Mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam

Về thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (người gốc Việt Nam) trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Đồng thời, chỉnh lý mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

2. Lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân, sửa đổi, bổ sung theo hướng

- Lược bỏ vân tay;

- Sửa đổi thông tin số thẻ căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ tại Luật Căn cước công dân hiện hành thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú và dòng chữ "Nơi cấp: Bộ Công an" để phù hợp với các nội dung khác.

3. Bổ sung quy định về cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi 

Về người được cấp thẻ căn cước công dân, bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam.

Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành.

4. Bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài

Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân, việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân có giá trị:

- Sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân.

- Giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như:

+ Thông tin về thẻ bảo hiểm y tế,

+ Sổ bảo hiểm xã hội,

+ Giấy phép lái xe,

+ Văn bằng,

+ Chứng chỉ,

+ Giấy khai sinh,

+ Giấy chứng nhận kết hôn

+ Giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

5. Tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân công dân dưới 14 tuổi, từ đủ 14 tuổi trở lên

Về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, đã sửa đổi bổ sung theo hướng quy định tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân công dân dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên.

Theo đó, đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi;

Đối với công dân là trẻ em dưới 06 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh.

Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 24 cho trẻ em (trẻ em dưới 06 tuổi thì không thu nhận thông tin sinh trắc học).

Trường hợp công dân là trẻ em đủ 06 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.

6. Bổ sung quy định về căn cước công dân điện tử

Về căn cước công dân điện tử, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành để quy định về

- Căn cước điện tử;

- Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử; sử dụng căn cước công dân điện tử để giải quyết để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự trên môi trường điện tử.

Những điểm mới về quy định hướng dẫn căn cước công dân

1. Mở rộng đối tượng áp dụng của Luật Căn cước công dân

Về đối tượng áp dụng, mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật Căn cước công dân 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.  

Theo đó, tại Chương I dự thảo Luật về quy định chung đã bổ sung một Điều về người gốc Việt Nam là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam để cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh cho đối tượng này. 

2. Sửa đổi một số quy định giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật Căn cước công dân 

Về giải thích từ ngữ, Điều 3 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật, gồm:

- Cơ sở dữ liệu chuyên ngành

- Chủ thể danh tính điện tử

- Danh tính điện tử của cá nhân

- Hệ thống định danh và xác thực điện tử

- Tài quản định danh điện.

3. Nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Về các hành vi nghiêm cấm, có chỉnh lý, bổ sung nội dung nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước cho phù hợp với định hướng quản lý căn cước công dân tại dự thảo Luật.

4. Cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân trong thời hạn 07 ngày làm việc

Về thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân trong thời hạn 07 ngày làm việc.

5. Khuyến khích sử dụng phần mềm, thiết bị, giải pháp tích hợp do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam tự nghiên cứu

Về bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý căn cước công dân, bổ sung thêm nội dung khuyến khích sử dụng phần mềm, thiết bị, giải pháp tích hợp là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trong việc xây dựng, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử. 

6. Đề xuất Chứng minh nhân dân sử dụng đến hết ngày 31/12/2024

Về điều khoản thi hành, thay thế cụm thế cụm từ "kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử" tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020 bằng cụm từ "kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử".

Về quy định chuyển tiếp, dự thảo Luật quy định chuyển tiếp theo hướng Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024;

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ nêu trên..

Lê Vũ Trang Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,822

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn