TANDTC hướng dẫn xác định thiệt hại khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
31/12/2022 11:40 AM

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

TANDTC hướng dẫn xác định thiệt hại khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại

TANDTC hướng dẫn xác định thiệt hại khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại (Hình từ Internet)

Theo đó, việc xác định trách nhiệm thiệt hại khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại được quy định như sau:

1. Bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là quyền của công dân

Tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:

- Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

- Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

- Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

- Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

- Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

2. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau:

- Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

+ Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

3. TANDTC hướng dẫn xác định trách nhiệm thiệt hại khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại

Tại Điều 9 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự được xác định như sau:

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm: 

+ Chi phí cần thiết cho việc thu hồi, xóa bỏ vật phẩm, ấn phẩm, dữ liệu có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại;

+ Chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm;

+ Tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị hiện hại chi trả để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng;

+ Chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được xác định như sau:

+ Trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó;

+ Việc xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị xâm phạm được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP.

4. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín

Căn cứ Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,238

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn