Đã có Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ 01/3/2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
13/12/2022 09:43 AM

Ngày 15/11/2022, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ ngày 01/3/2023.

Đã có Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ 01/3/2023 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 ngày 15/11/2022.

Trong đó, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có kết cấu gồm 4 Chương 66 Điều, giảm 1 Chương và tăng 16 Điều so với Luật Phòng, chống rửa tiền 2012. Cụ thể, tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có một số điểm mới như sau:

1. Bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Cụ thể, bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên cơ sở luật hóa quy định về đối tượng này tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 87/2019/NĐ-CP).

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo (các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng...) phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và nội hàm khái niệm theo khuyến nghị của tổ chức quốc tế.

2. Bổ sung nguyên tắc có đi có lại trong việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin

Bổ sung nguyên tắc có đi có lại trong việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

3. Bổ sung quy định về về việc đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền

Theo đó, định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, trình Chính phủ phê duyệt.

Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện cập nhật rủi ro về rửa tiền dựa trên việc triển khai kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có các rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành gửi Ngân hàng Nhà nước tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt. 

Đồng thời, Chính phủ có trách nhiệm quy định chi tiết về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền.

Về trách nhiệm đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo, đối tượng báo cáo phải đánh giá rủi ro về rửa tiền; xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền, trong đó có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo.

4. Quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng

Tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 quy định cụ thể hơn về thông tin nhận biết khách hàng; bổ sung quy định đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định pháp luật để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp; 

Sửa đổi các quy định về nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba trên cơ sở hoạt động kinh doanh qua giới thiệu quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 và quy định xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua việc thuê tổ chức khác.

Về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, bổ sung quy định về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị của tổ chức quốc tế, quy định rõ hơn trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng chủ sở hữu hưởng lợi và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với khách hàng này.

Đối tượng báo cáo phải ban hành chính sách, quy định để nhận diện, đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền trước khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ mới và sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới và áp dụng các biện pháp để giảm thiểu rủi ro về rửa tiền.

Xem thêm Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 có hiệu lực từ 01/3/2023, trừ khoản 1 Điều 64 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 và thay thế Luật Phòng, chống rửa tiền 2012.

>> Xem thêm: 09 điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,496

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn