[CẬP NHẬT] 06 luật mới thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
19/12/2022 08:05 AM

Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã thông qua 06 Luật gồm Luật Phòng, chống rửa tiền 2022; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022; Luật Thanh tra 2022; Luật Dầu khí 2022; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022; Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022.

Tổng hợp 06 luật mới thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV

Tổng hợp 06 luật mới thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV

06 Luật mới thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV

STT

Tên văn bản Luật

Ngày thông qua

Ngày có hiệu lực

Bài viết liên quan

1

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022

15/11/2022

01/3/2023

Tại đây

2

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022

14/11/2022

01/7/2023

Tại đây

3

Luật Thanh tra 2022

14/11/2022

01/7/2023

Tại đây

4

Luật Dầu khí 2022

14/11/2022

01/7/2023

Tại đây

5

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022

10/11/2022

01/7/2023

Tại đây

6

Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022

09/11/2022

01/7/2023

Tại đây

Nội dung cơ bản 06 luật mới được thông qua

1. Luật Phòng, chống rửa tiền 2022

Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 gồm 4 chương, 66 điều quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Việc phòng, chống hành vi rửa tiền của tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

2. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Một số điểm nổi bật về phòng chống bạo lục gia đình như:

- Quy định rõ căn cứ và trường hợp Trưởng Công an xã yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc;...

- Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định và giao cho đại diện cộng đồng nơi người có hành vi bạo lực gia đình sinh sống tổ chức cho người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

3. Luật Thanh tra 2022

Luật Thanh tra 2022 có 118 điều, quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra.

Điểm mới đáng chú ý là tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành.

Điều 18 quy định, thanh tra tổng cục, cục là cơ quan của tổng cục, cục thuộc bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý Nhà nước mà tổng cục, cục được giao phụ trách; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Thanh tra tổng cục, cục được thành lập trong 3 trường hợp: theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tại tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.

4. Luật Dầu khí 2022

Luật Dầu khí 2022 gồm 11 chương, 69 điều, quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một số điểm đáng chú ý như:

- Bổ sung quy định về việc Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế điều hành hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí.

- Quy định "cá nhân" được tham gia hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

- Quy định trong trường hợp dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên, đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên, Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trước khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thực hiện dự án.

5. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 có 6 chương, 91 điều, quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

6. Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022

Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022 được thông qua gồm 4 điều.

Về gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp đổi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện được sửa đổi theo hướng:

"Tổng thời hạn cấp lần đầu và các lần gia hạn giấy phép không vượt quá thời hạn tối đa quy định cho từng loại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tương ứng; trường hợp thời hạn cấp giấy phép lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho loại giấy phép tương ứng thì không được gia hạn".

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,327

Bài viết về

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]