Sáp nhập sở, phòng thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
04/08/2022 15:20 PM

Thời gian qua, việc sáp nhập, hợp nhất sở, ngành được thực hiện tại nhiều tỉnh. Vậy sắp tới, việc sáp nhập hợp nhất các sở có còn được tiếp tục hay không? – Công Hiệp (Long An)

Bộ Chính trị ban hành Thông báo 16-TB/TW ngày 07/7/2022 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

Hợp nhất các sở, phòng thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Sáp nhập các sở, phòng thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện (Hình từ Internet)

Sáp nhập sở, phòng thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu Ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình địa phương và yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chủ động quyết định thực hiện một số mô hình sau:

(1) Hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

(2) Trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện.

Như vậy, với chỉ đạo của Trung ương nêu trên thì trong thời gian tới, căn cứ vào tình hình của địa phương, yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức mà việc sáp nhập, hợp nhất các sở, phòng có thể tiếp tục thực hiện.

Hiện hành, các cơ quan chuyên môn (gọi chung là sở) thuộc UBND cấp tỉnh bao gồm:

Các sở được tổ chức thống nhất ở các địa phương

1. Sở Nội vụ

2. Sở Tư pháp

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

4. Sở Tài chính

5. Sở Công Thương

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

7. Sở Giao thông vận tải

8. Sở Xây dựng

9. Sở Tài nguyên và Môi trường

10. Sở Thông tin và Truyền thông

11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

12. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

13. Sở Khoa học và Công nghệ

14. Sở Giáo dục và Đào tạo

15. Sở Y tế

16. Thanh tra tỉnh

17. Văn phòng Ủy ban nhân dân

Các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương như Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (được thành lập ở thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh)

Các sở chỉ có tại một vài địa phương

Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ (sáp nhập Sở Khoa học và Công nghệ với Sở Giáo dục và Đào tạo, tại Bạc Liêu)

Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (sáp nhập Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông, tại Bạc Liêu)

Cơ quan Ủy ban Kiểm tra – Thanh tra (sáp nhập Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra tỉnh, tại Hà Giang)

 

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (gọi chung là phòng) thông thường bao gồm:

Văn phòng Ủy ban Nhân dân,

Thanh tra huyện,

Phòng Tài chính - Kế hoạch,

Phòng Nội vụ,

Phòng Tài nguyên - môi trường,

Phòng Tư pháp,

Phòng Giáo dục- Đào tạo,

Phòng Y tế,

Phòng Lao động- Thương binh xã hội,

Phòng Kinh tế và Hạ tầng,

Phòng Văn hóa - thông tin

 

Trước đây vào năm 2019, Bộ Nội vụ đã có Công văn 5898/BNV-TCBC về việc đăng ký thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Cụ thể, phạm vi, đối tượng thực hiện thí điểm sáp nhập ở cấp tỉnh như sau:

+ Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và đầu tư thành Sở Tài chính và Kế hoạch, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực tài chính, kế hoạch và đầu tư.

+ Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải và Xây dựng, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực giao thông vận tải và xây dựng.

+ Sở Nội vụ với Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ và tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nội vụ.

+ Thanh tra cấp tỉnh với Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp tỉnh về công tác kiểm tra và tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thanh tra.

Chủ trương hợp nhất một số cơ quan tại Nghị quyết 18-NQ/TW

Tại Nghị quyết 18-NQ/TW, nêu rõ: Cơ bản hợp nhất văn phòng cấp uỷ với văn phòng hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện.

Thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước, cơ quan của Đảng và Mặt trận Tổ quốc có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi có đủ điều kiện.

Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện.

Thông báo 16-TB/TW

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,626

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn