Bộ trưởng Cao Đức Phát đang phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Thùy Dung |
Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, cho hay công ty ông đang bị áp mức thuế cao đối với sản phẩm nhà kính dùng để sản xuất hoa, thay vì được hưởng thuế suất ưu đãi theo quy định trong luật.
Là một trong những đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nhưng Rừng hoa Đà Lạt vẫn phải nhập khẩu nhà kính với thuế suất là 25%. "Điều này đang làm giảm sức cạnh tranh của công ty, ngay cả trong nước chứ chưa nói tới thị trường xuất khẩu," ông Sơn nói.
“Do cơ chế rất mơ hồ, Luật công nghệ cao lại không đề cập rõ mức ưu đãi là bao nhiêu nên chúng tôi bị Hải quan làm khó và phải chịu mức thuế 25%,” ông Sơn nói. Ông Sơn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) làm việc với Bộ Tài Chính để miễn thuế nhập khẩu các thiết bị nhà kính, các thiết bị nông nghiệp công nghệ cao.
Cũng liên quan tới thuế, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinamit, cho hay công ty của ông mua sản phẩm nông nghiệp sau đó chế biến và bán ra thị trường. Thị trường nội địa chiếm khoảng 60% và xuất khẩu là 40% doanh số. Hiện Vinamit đang phải đóng thay cho người nông dân 10% thuế VAT vì nguyên liệu đầu vào mà công ty mua của nông dân không được khấu trừ VAT.
Đồng tình với quan điểm này, ông Sơn cho hay do các sản phẩm nông nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào nên giá thành phải cộng thêm 10%. “Như vậy chúng tôi rất khó cạnh tranh tại thị trường trong nước chưa nói tới quốc tế,” ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, đất đai cũng là một vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải. Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình, công ty có xây dựng một nhà máy chế biến trên diện tích 1,2 héc ta nhưng phải đàm phán với 27 hộ trong vòng 3 năm mới lấy được 1,2 héc ta đất.
“Có những trường hợp tôi phải vào tận Vũng Tàu để đàm phán mua đất với họ. Như vậy, dự án lẽ ra 2 năm là có thể đi vào hoạt động nhưng phải 5 năm mới xây dựng xong nhà máy,” ông Báo nói. Theo ông Báo, hiện nay có rất nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng các chính sách này không đi vào thực tiễn.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Minh Phú, tập đoàn xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới với doanh thu xuất khẩu năm 2014 đạt 741 triệu đô la Mỹ, cho hay Minh Phú cũng gặp khó khăn về vùng đất để nghiên cứu chọn tạo tôm giống và nghiên cứu xử lý vấn đề dịch bệnh trên tôm. Do dự án của Minh Phú trải dài ở nhiều tỉnh thành và đến tỉnh nào cũng lại phải xin giấy phép để triển khai dự án nên Minh Phú đề nghị Bộ NNPTNT cấp giấy phép một lần.
Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp về các các loại thuế, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cho hay sẽ chỉ đạo Vụ Tài chính (Bộ NNPTNT) nghiên cứu, làm việc với Bộ Tài chính để từng bước tháo gỡ vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp.
Bộ cũng ghi nhận những khó khăn về đất đai mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Với trường hợp của Minh Phú, Bộ cho biết sẵn sàng hợp tác cùng công ty để nghiên cứu tôm giống cũng như các dịch bệnh trên tôm. Đồng thời, một số viện nghiên cứu thủy sản thuộc quản lý của Bộ đang làm ăn èo uột thì Minh Phú có thể sử dụng để nghiên cứu tôm giống.
Đây là lần thứ hai nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp-nông thôn nhóm họp. Đây là mô hình hợp tác công tư mới ở Việt Nam, làm đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, chương trình/dự án, dịch vụ công. Đồng thời, nhóm công tác sẽ kết nối các doanh nghiệp đầu tàu với các địa phương nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào tái cơ cấu nông nghiệp.
Thùy Dung
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online