Hướng dẫn xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
06/11/2024 21:00 PM

Bài viết sau có nội dung về việc xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu được quy định trong Nghị định 102/2020/NĐ-CP.

Hướng dẫn xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu

Hướng dẫn xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu (Hình từ Internet)

1. Hướng dẫn xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 102/2020/NĐ-CP thì việc xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu được thực hiện như sau:

- Đối tượng xác nhận: Lô hàng gỗ xuất khẩu của chủ gỗ không phải là doanh nghiệp Nhóm I.

Lô hàng gỗ có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng trong nước xuất khẩu sang thị trường ngoài EU thì không cần xác nhận.

- Cơ quan xác nhận: Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

- Hồ sơ đề nghị xác nhận nguồn gốc gỗ xuất khẩu, bao gồm:

+ Bản chính đề nghị xác nhận nguồn gốc gỗ xuất khẩu theo Mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP;

Mẫu số 04

+ Bản chính bảng kê gỗ xuất khẩu do chủ gỗ lập theo Mẫu số 05 hoặc Mẫu số 06 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP;

Mẫu số 05
Mẫu số 06

+ Bản sao hồ sơ gỗ nhập khẩu theo quy định tại Điều 7 Nghị định 102/2020/NĐ-CP hoặc bản sao hồ sơ nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

- Cách thức gửi hồ sơ: Chủ gỗ gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Hệ thống thông tin phân loại doanh nghiệp hoặc hòm thư điện tử.

- Trình tự thực hiện:

+ Chủ gỗ gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 102/2020/NĐ-CP tới cơ quan Kiểm lâm sở tại. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan Kiểm lâm sở tại có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ gỗ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan Kiểm lâm sở tại có trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp hoặc bằng văn bản cho chủ gỗ để hoàn thiện hồ sơ;

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan Kiểm lâm sở tại hoàn thành việc kiểm tra thực tế lô hàng gỗ xuất khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định 102/2020/NĐ-CP và xác nhận bảng kê gỗ. Trường hợp không xác nhận bảng kê gỗ, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, cơ quan Kiểm lâm sở tại thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Kiểm tra lô hàng gỗ xuất khẩu:

+ Thời điểm kiểm tra: Trước khi xếp lô hàng gỗ vào phương tiện vận chuyển để xuất khẩu;

+ Địa điểm kiểm tra: Tại kho, bãi nơi cất giữ lô hàng gỗ theo đề nghị của chủ gỗ;

+ Nội dung kiểm tra: Đối chiếu hồ sơ do chủ gỗ lập với khối lượng, trọng lượng, số lượng, quy cách, loài gỗ, nguồn gốc gỗ được kiểm tra; xác minh tính hợp pháp của lô hàng gỗ; lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 07 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP và xác nhận bảng kê gỗ;

Mẫu số 07

+ Mức độ kiểm tra thực tế: Kiểm tra thực tế 20% lô hàng gỗ; trường hợp có thông tin vi phạm thì công chức Kiểm lâm báo cáo, đề xuất thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm sở tại quyết định tăng tỷ lệ kiểm tra và gia hạn thời gian kiểm tra, thời gian gia hạn tối đa không quá 02 ngày. Thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

2. Quy định về kiểm tra nguồn gốc lâm sản

Việc kiểm tra nguồn gốc lâm sản được quy định cụ thể tại Điều 42 Luật Lâm nghiệp 2017 như sau:

- Kiểm tra nguồn gốc lâm sản bao gồm hoạt động kiểm tra hồ sơ lâm sản, kiểm tra lâm sản trong quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, gây nuôi, trồng cấy nhân tạo, cất giữ lâm sản theo quy định của pháp luật.

- Việc kiểm tra nguồn gốc lâm sản được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

- Kiểm lâm các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ, quản lý thị trường, hải quan và cơ quan, tổ chức liên quan trong việc đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, dân quân tự vệ, quản lý thị trường, hải quan, cơ quan tư pháp và cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp với Kiểm lâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp, trình tự, thủ tục quản lý nguồn gốc lâm sản.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,208

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn