Các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro đối với nợ công

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
11/10/2024 23:00 PM

Bài viết sau có nội dung về các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro đối với nợ công được quy định trong Nghị định 94/2018/NĐ-CP.

Các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro đối với nợ công

Các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro đối với nợ công (Hình từ Internet)

1. Các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro đối với nợ công

Theo quy định tại Điều 26 Nghị định 94/2018/NĐ-CP thì các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro bao gồm:

- Đối với phòng ngừa và xử lý rủi ro về lãi suất và tỷ giá ngoại, sử dụng các công cụ phái sinh về lãi suất và đồng tiền.

- Đối với việc phòng ngừa và xử lý rủi ro thanh khoản gồm: bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo quy định tại Điều 54 Luật Quản lý nợ công 2017; phát hành công cụ nợ để đảm bảo thanh khoản; cơ cấu lại kỳ hạn của các khoản nợ, mua lại nợ, hoán đổi khoản nợ hoặc đàm phán gia hạn nợ.

Điều 54. Bảo đảm khả năng trả nợ công

1. Việc huy động vốn vay phải bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công và chủ động bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

2. Các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động đến quy mô nợ công, trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.

3. Việc chi trả các khoản nợ của ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:

a) Chi trả lãi, phí và chi phí khác phát sinh từ các khoản nợ theo dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền quyết định;

b) Bảo đảm nguồn bội thu, tăng thu so với dự toán, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác để trả các khoản nợ gốc đầy đủ, đúng hạn;

e) Vay mới để trả nợ gốc phải nằm trong tổng mức vay của ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định.

4. Đối tượng được bảo lãnh, đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có trách nhiệm trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

- Đối với phòng ngừa và xử lý rủi ro do biến động thị trường tài chính gồm: phát triển thị trường vốn trong nước; nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia để tiếp cận thị trường vốn quốc tế.

- Căn cứ vào đánh giá rủi ro và mức độ ảnh hưởng của rủi ro đối với từng khoản nợ hoặc với danh mục nợ, Bộ Tài chính xây dựng đề án cơ cấu lại nợ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phương án cơ cấu lại nợ của chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện.

2. Hướng dẫn phân loại nợ công

Nợ công được phân loại thành các loại được quy định cụ thể tại Điều 4 Luật Quản lý nợ công 2017 bao gồm:

- Nợ Chính phủ bao gồm:

+ Nợ do Chính phủ phát hành công cụ nợ;

+ Nợ do Chính phủ ký kết thỏa thuận vay trong nước, nước ngoài;

+ Nợ của ngân sách trung ương vay từ quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước, ngân quỹ nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

- Nợ được Chính phủ bảo lãnh bao gồm:

+ Nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh;

+ Nợ của ngân hàng chính sách của Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh.

- Nợ chính quyền địa phương bao gồm:

+ Nợ do phát hành trái phiếu chính quyền địa phương;

+ Nợ do vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;

+ Nợ của ngân sách địa phương vay từ ngân hàng chính sách của Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, ngân quỹ nhà nước và vay khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 380

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn