Đã có Nghị quyết 160/2024 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
Ngày 13/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 160/2024/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Cụ thể tại Nghị quyết 160/2024/QH15, Quốc hội đã quyết nghị về tổng số thu và chi ngân sách trung ương năm 2025 như sau:
- Tổng số thu ngân sách trung ương là 1.020.164 tỷ đồng (một triệu, không trăm hai mươi nghìn, một trăm sáu mươi tư tỷ đồng).
Tổng số thu ngân sách địa phương là 946.675 tỷ đồng (chín trăm bốn mươi sáu nghìn, sáu trăm bảy mươi lăm tỷ đồng).
Sử dụng 60.000 tỷ đồng (sáu mươi nghìn tỷ đồng) nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng (năm mươi nghìn, sáu trăm mười chín tỷ đồng) nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
- Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.523.264 tỷ đồng (một triệu, năm trăm hai mươi ba nghìn, hai trăm sáu mươi tư tỷ đồng), trong đó: dự toán 248.786 tỷ đồng (hai trăm bốn mươi tám nghìn, bảy trăm tám mươi sáu tỷ đồng) để bổ sung cân đối ngân sách (đã bao gồm khoản bổ sung cân đối tăng 2% so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và tăng 917,3 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Nghệ An để thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An), dự toán bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (đã bao gồm số bổ sung 14.434,4 tỷ đồng để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2025 không thấp hơn dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023).
Về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025:
- Phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng Bộ, cơ quan trung ương theo các phụ lục số I, II, III và IV kèm theo Nghị quyết 160/2024/QH15.
- Phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo Phụ lục số V kèm theo Nghị quyết 160/2024/QH15.
- Số bổ sung cân đối ngân sách, số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo Phụ lục số VI, Phụ lục số VII kèm theo Nghị quyết 160/2024/QH15.
- Mức bội thu, mức vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo Phụ lục số VIII kèm theo Nghị quyết 160/2024/QH15.
>>Xem toàn bộ Phụ lục TẠI ĐÂY.
Cũng tại Nghị quyết 160/2024/QH15 cũng đã nêu rõ về phân bổ ngân sách đối với cơ quan, đơn vị có cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền như sau:
- Cho phép bố trí chi đảm bảo tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản đóng góp theo chế độ quy định, thu nhập tăng thêm, kinh phí chi thường xuyên theo định mức và các nhiệm vụ đặc thù của các cơ quan, đơn vị này (ngoại trừ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) theo Báo cáo số 41/BC-CP ngày 16 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ.
Bố trí dự toán chi thường xuyên đầu năm theo Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ đối với các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công thuộc lĩnh vực chi an ninh, quốc phòng (bao gồm nhiệm vụ hỗ trợ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương cho một số địa phương thực hiện nhiệm vụ dự bị động viên).
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện nộp ngân sách nhà nước chênh lệch thu lớn hơn chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bao gồm chi hoạt động nghiệp vụ và chi bộ máy quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Trong tổ chức thực hiện, sau khi cấp có thẩm quyền quyết định việc sửa đổi, bãi bỏ các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù, căn cứ vào quy định của pháp luật, Chính phủ quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về việc điều chỉnh dự toán của các cơ quan, đơn vị này, tổng hợp báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Xem thêm tại Nghị quyết 160/2024/QH15 ngày 13/11/2024.
Xem thêm: Tổng số thu và chi ngân sách trung ương năm 2025