Hướng dẫn quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
12/09/2024 19:45 PM

Hướng dẫn quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là nội dung được quy định trong Nghị định 98/2010/NĐ-CP.

Hướng dẫn quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Hướng dẫn quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (Hình từ Internet)

1. Hướng dẫn quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 98/2010/NĐ-CP thì việc quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện như sau:

- Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Việc kinh doanh di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về thuế và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Nhà nước bảo hộ việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã được đăng ký theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển quyền sở hữu đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đã đăng ký và đăng ký đối với di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mua bán có nguồn gốc hợp pháp chưa được đăng ký.

- Nghiêm cấm mua bán di vật, cổ vật có nguồn gốc bất hợp pháp.

- Nghiêm cấm mua bán trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để mang ra nước ngoài.

2. Quy định về việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của cửa hàng

Hoạt động của cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải tuân thủ các quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 98/2010/NĐ-CP như sau:

- Chỉ mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc hợp pháp;

- Chỉ mua bán bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của tổ chức, cá nhân có giấy phép làm bản sao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 23 Nghị định 98/2010/NĐ-CP cấp;

- Đối với những bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia khi trưng bày để mua bán phải ghi rõ là bản sao;

- Thực hiện và hướng dẫn các thủ tục cần thiết để người mua tiến hành đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc xin giấy phép mang di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài đối với những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc loại được phép mang ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

- Thực hiện các quy định của pháp luật về sổ sách đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mua vào và bán ra, sổ sách tài chính kế toán và nghĩa vụ nộp thuế.

3. Thẩm quyền cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

- Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích quốc gia đặc biệt, bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.

- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép làm bản sao di vật, cổ vật; bảo vật quốc gia thuộc di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, bảo tàng cấp tỉnh và sở hữu tư nhân.

Căn cứ vào mục đích của việc làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, người có thẩm quyền cấp phép quyết định số lượng bản sao được làm.

(Theo Điều 23 Nghị định 98/2010/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 398

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn