Hướng dẫn khai thác thông tin cư trú để giải quyết thủ tục hành chính

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Tấn Đại
04/09/2024 22:45 PM

Bài viết sau có nội dung về việc khai thác thông tin cư trú để giải quyết thủ tục hành chính được quy định trong Nghị định 104/2022/NĐ-CP.

Hướng dẫn khai thác thông tin cư trú để giải quyết thủ tục hành chính

Hướng dẫn khai thác thông tin cư trú để giải quyết thủ tục hành chính (Hình từ Internet)

1. Hướng dẫn khai thác thông tin cư trú để giải quyết thủ tục hành chính

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP thì việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công được thực hiện như sau:

- Cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

- Thông tin về cư trú của công dân tại thời điểm làm thủ tục hành chính được cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ghi nhận và lưu giữ trong hồ sơ thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.

Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong các phương thức sau:

+ Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;

+ Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;

+ Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp;

+ Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

Việc yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú được nêu cụ thể trong quyết định công bố thủ tục hành chính của bộ, cơ quan, địa phương hoặc các văn bản thông báo dịch vụ của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

- Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Các thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân

Các thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú của công dân được quy định cụ thể tại Điều 9 Nghị định 62/2021/NĐ-CP bao gồm:

- Số hồ sơ cư trú.

- Nơi thường trú, thời gian bắt đầu đến thường trú; lý do, thời điểm xóa đăng ký thường trú.

- Nơi tạm trú, thời gian bắt đầu đến tạm trú, thời gian tạm trú; lý do, thời điểm xóa đăng ký tạm trú.

- Tình trạng khai báo tạm vắng, thời gian tạm vắng.

- Nơi ở hiện tại, thời gian bắt đầu đến nơi ở hiện tại.

- Nơi lưu trú, thời gian lưu trú.

- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình.

- Quan hệ với chủ hộ.

- Số định danh cá nhân.

- Họ, chữ đệm và tên khai sinh.

- Ngày, tháng, năm sinh.

- Giới tính.

- Nơi đăng ký khai sinh.

- Quê quán.

- Dân tộc.

- Tôn giáo.

- Quốc tịch.

- Tình trạng hôn nhân.

- Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó.

- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp.

- Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

- Số Chứng minh nhân dân, ngày, tháng, năm và nơi cấp Chứng minh nhân dân; số, ngày, tháng, năm và nơi cấp thẻ Căn cước công dân.

- Họ, chữ đệm và tên gọi khác.

- Nghề nghiệp (trừ lực lượng vũ trang nhân dân).

- Tiền án.

- Tiền sự.

- Biện pháp ngăn chặn bị áp dụng.

- Người giám hộ.

- Thông tin liên lạc (số điện thoại, fax, mail, địa chỉ hòm thư).

- Số, tên cơ quan, người có thẩm quyền ban hành, ngày, tháng, năm ban hành của văn bản cho nhập quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

- Số, ngày, tháng, năm, cơ quan ra quyết định truy nã.

- Thông tin khác về công dân được tích hợp, chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu khác.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 632

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn