Cụ thể, Quy chế khen thưởng của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội được ban hành kèm theo Quyết định 139/QĐ-LĐLĐ năm 2020 và được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 139/QĐ-LĐLĐ năm 2022 sửa đổi Quy chế khen thưởng của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.
Quy chế này quy định danh hiệu thi đua và tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng của tổ chức Công đoàn; tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Nhà nước áp dụng trong hệ thống Công đoàn thành phố Hà Nội.
Quy chế Khen thưởng của Liên đoàn Lao động Hà Nội
Theo Điều 4 Quy chế khen thưởng kèm theo Quyết định 139/QĐ-LĐLĐ năm 2020 (đã được sửa đổi bổ sung) thì nguyên tắc khen thưởng của tổ chức công đoàn được quy định như sau:
(1) Khen thưởng phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn và thành tích đạt được, không nhất thiết phải có hình thức khen thưởng mức thấp mới được khen thưởng mức cao hơn. Chú trọng khen thưởng cho công đoàn cơ sở nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất và cá nhân có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất, công tác.
(2) Đối với khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ KT-XH, khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng và thành tích ngang nhau thì lựa chọn cá nhân nữ và tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng. Đối với nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng trong quá trình cống hiến được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung.
(3) Không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được, trong một năm công tác, một đối tượng có thể được nhiều cấp ra quyết định khen thưởng với các danh hiệu hoặc hình thức khen thưởng khác nhau, nhưng trong một cấp quyết định khen thưởng khi đã được khen thưởng toàn diện thì không được khen thưởng chuyên đề và ngược lại, (trừ khen thưởng vào dịp sơ kết, tổng kết chuyên đề theo đợt, theo giai đoạn). Hình thức khen thưởng theo đợt, chuyên đề không tính làm điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng mức cao hơn mà chỉ được ghi nhận và ưu tiên khi xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
(4) LĐLĐ Thành phố không xét khen thưởng thường xuyên cho các tập thể, cá nhân thuộc đối tượng quản lý trực tiếp của các CĐ ngành TW và ngược lại.
(5) Thời gian trình khen thưởng lần tiếp theo được tính theo thời gian lập được thành tích ghi trong quyết định khen thưởng lần trước. Đối với quyết định khen thưởng không ghi thời gian lập được thành tích thì thời gian trình khen thưởng lần sau được tính theo thời gian ban hành quyết định khen thưởng lần trước.
(6) Thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn thì được khen thưởng mức cao hơn. Khi xét khen thưởng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải căn cứ vào thành tích của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo. Đồng chí Chủ tịch Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ được xét tặng Bằng khen từ cấp Tổng Liên đoàn, UBND Thành phố trở lên khi tập thể được phân công lãnh đạo, quản lý được Tổng Liên đoàn, UBND Thành phố tặng Cờ thi đua, được khen thưởng cấp Nhà nước từ Bằng khen Chính phủ trở lên (hoặc đang được LĐLĐ Thành phố đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước).
Số lượng xét đề nghị khen thưởng cá nhân là đoàn viên Công đoàn, người lao động trực tiếp lao động, sản xuất, công tác (cá nhân không giữ chức vụ quản lý từ Giám đốc, Phó Giám đốc các doanh nghiệp, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch công đoàn cơ sở) cấp cơ sở ít nhất 90%; cấp trên trực tiếp cơ sở ít nhất 50%; cấp Thành phố ít nhất là 30%.
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khi đề nghị cá nhân khen thưởng Bằng khen Tổng Liên đoàn ít nhất phải có từ 10% cá nhân là đoàn viên, người lao động trực tiếp trở lên, nhưng tối thiểu cũng phải có 01 cá nhân.
Trong một năm không đề xuất khen thưởng chuyên đề từ cấp LĐLĐ Thành phố trở lên quá 02 lần đối với tập thể hoặc cá nhân.
(7) Khen, tặng danh hiệu thi đua kết hợp với thưởng vật chất, mức thưởng không thấp hơn mức thưởng quy định của LĐLĐ Thành phố Hà Nội và Tổng LĐLĐ Việt Nam.