Làm sao để biết được thẻ BHYT hết hạn ngày nào? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Công văn 3340/BHXH-ST năm 2017 thì từ ngày 08/8/2017, trên thẻ BHYT không ghi ngày hết hạn, do đó để biết được thẻ BHYT hết hạn ngày nào thì có thể thực hiện bằng một trong hai cách sau:
- Cách 1: Tra cứu ngày hết hạn của thẻ BHYT trên Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Bước 1: Truy cập https://baohiemxahoi.gov.vn/
Bước 2: Chọn Tra cứu trực tuyến
Bước 3: Chọn Tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT
Hoặc người dùng có thể truy cập trực tiếp tại đường link sau: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-thoi-han-su-dung-the-bhyt.aspx
Bước 4: Điền thông tin cá nhân
Người dùng điền đầy đủ thông tin tại các ô hiển thị trên phần tra cứu, bao gồm:
- Họ tên;
- Mã số BHXH/thẻ BHYT;
- Ngày/Năm sinh.
Sau đó, nhấp chọn Tôi không phải là người máy và ấn Tra cứu.
Bước 5: Xem thông tin về thẻ BHYT
Sau khi nhập đủ và chính xác thông tin, hệ thống trả kết quả gồm: Mã thẻ, họ tên, ngày sinh, địa chỉ, mã nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, hạn thẻ, thời điểm đủ 05 năm liên tục. Phía dưới là thông tin về quyền lợi BHXH mà người tham gia được hưởng.
- Cách 2: Tra cứu ngày hết hạn của thẻ BHYT trên ứng dụng VssID
Bước 1: Đăng nhập vào ứng dụng VssID
Bước 2: Chọn Thẻ BHYT
Bước 3: Ứng dụng sẽ hiển thị thời hạn sử dụng (gồm ngày bắt đầu và ngày hết hạn sử dụng của thẻ BHYT)
Lưu ý: Ngày 01/3/2023, Trung tâm Công nghệ thông tin Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn 337/CNTT-PM về dừng triển khai tin nhắn tra cứu đến đầu số 8079. Do đó, hiện nay người dân không thể tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT bằng cách nhắn tin đến tổng đài 8079 được nữa.
Theo Công văn 1493/BHXH-CSYT năm 2021, từ 01/6/2021, người bệnh BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng Vss-ID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy.
Theo Công văn 931/BYT-BH năm 2022, người bệnh BHYT có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID hoặc sử dụng CCCD gắn chíp khi khám chữa bệnh BHYT.
Như vậy, hiện nay người dân có thể sử dụng thẻ BHYT điện tử (trên ứng dụng VssID, ứng dụng VNeID) hoặc sử dụng CCCD gắn chíp để khám chữa bệnh BHYT.
Ngày 10/4/2024, Bộ Y tế ban hành Công văn 1843/BYT-BH yêu cầu các bệnh viện không được từ chối thẻ BHYT điện tử.
Cụ thể, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp và thuận tiện cho người bệnh khi đi KCB BHYT theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Đề án 06/CP, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị:
- Chấn chỉnh các khoa, phòng liên quan, nhân viên y tế để xảy ra tình trạng nêu trên, thực hiện giải quyết hưởng chế độ BHYT trong trường hợp người bệnh khi đi KCB BHYT xuất trình căn cước công dân gắn chip hoặc xuất trình hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam hoặc trên ứng dụng VNelD của Bộ Công an theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 4316/BYT-BH ngày 27/5/2021 và Công văn 931/BYT-BH ngày 28/02/2022.
- Chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện việc rà soát, chấn chỉnh kịp thời các cơ sở KCB, cá nhân thuộc quyền quản lý để xảy ra tình trạng chậm gửi dữ liệu, hạn chế thấp nhất việc phải gửi đề nghị thay thế, làm ảnh hưởng đến công tác giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT của cơ quan BHXH; tuân thủ việc gửi dữ liệu điện tử chi phí KCB BHYT theo đúng quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư 48/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí KCB BHYT.
- Nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực (phần cứng, phần mềm) để thực hiện triển khai ký số file XML xác thực dữ liệu điện tử chi phí KCB BHYT theo quy định tại Điều 7 Thông tư 48/2017/TT-BYT trước khi gửi dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam. Cơ sở KCB sử dụng chứng thư số đã được cấp của cơ quan, đơn vị để ký số, xác thực dữ liệu XML theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.