Quy trình cai nghiện ma túy được thực hiện như thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
06/03/2024 16:30 PM

Xin cho tôi hỏi quy trình cai nghiện ma túy được thực hiện như thế nào? - Phương Tuấn (Long An)

Quy trình cai nghiện ma túy được thực hiện như thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Quy trình cai nghiện ma túy được thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại Điều 29 Luật phòng chống ma túy 2021 và chương III Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định về quy trình cai nghiện ma túy, cụ thể:

1. Tiếp nhận, phân loại

- Thực hiện các thủ tục tiếp nhận người cai nghiện theo nội quy, quy chế của cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện.

- Thu thập thông tin cá nhân của người nghiện ma túy để tư vấn xây dựng kế hoạch cai nghiện, gồm: độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, loại ma túy sử dụng, mức độ sử dụng, trình độ học vấn, nghề nghiệp và các vấn đề khác về bản thân, gia đình người nghiện ma túy theo Mẫu số 19 Phụ lục II Nghị định 116/2021/NĐ-CP.

- Thông tin về phương pháp cai nghiện, chương trình cai nghiện; tư vấn, giải đáp các thắc mắc cho người nghiện ma túy.

- Phân loại đối tượng và tư vấn xây dựng kế hoạch cai nghiện ma túy theo Mẫu số 20 Phụ lục II Nghị định 116/2021/NĐ-CP.

2. Điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác

- Khám, xây dựng bệnh án đối với người cai nghiện; chú ý các dấu hiệu rối loạn tâm thần, bệnh cơ hội.

- Xác định loại ma túy, liều lượng ma túy người nghiện sử dụng để xây dựng phác đồ điều trị cắt cơn, giải độc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Tư vấn tâm lý đối với người nghiện trước khi điều trị cắt cơn, giải độc.

- Thực hiện phác đồ điều trị theo các quy định, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Kết hợp sử dụng thuốc với các biện pháp tâm lý và các biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng; kết hợp điều trị cắt cơn, giải độc với điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh cơ hội khác.

3. Giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách

- Tổ chức dạy văn hóa, học tập các chuyên đề: giáo dục công dân, sức khỏe và cộng đồng, pháp luật, đạo đức, truyền thống dân tộc và chuyên đề phù hợp khác với số lượng, trình độ học vấn người cai nghiện.

- Tổ chức các hoạt động trị liệu tâm lý nhằm điều trị các rối loạn tâm thần, nâng cao kỹ năng sống, giá trị sống, tư duy tích cực, kỹ năng tự quản lý bản thân cho người cai nghiện.

- Kết hợp việc học tập, trị liệu với việc tư vấn, khuyến khích người cai nghiện tham gia các hoạt động lao động sinh hoạt hàng ngày tại cơ sở để tạo ý thức, thói quen tốt trong sinh hoạt.

- Tổ chức thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao, các chương trình sinh hoạt tập thể, trò chơi vận động cho người cai nghiện.

4. Lao động trị liệu, học nghề

- Tổ chức các hoạt động lao động trị liệu nhằm giúp người cai nghiện cải thiện về sức khỏe thể chất, tâm trí, tăng cường ý thức tổ chức, kỷ luật trong lao động, nâng cao tinh thần tự lập và giúp người cai nghiện nhận thức được giá trị của lao động.

- Căn cứ vào số lượng, sức khỏe, độ tuổi, giới tính, trình độ, thời gian, nguyện vọng của người cai nghiện để tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở theo Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

5. Chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng

- Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch cai nghiện theo các mục tiêu; đánh giá tình trạng sức khỏe thể chất, tâm thần của người cai nghiện ma túy;

- Xác định nơi cư trú của người cai nghiện để chuẩn bị thực hiện biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy; tư vấn các biện pháp phòng, chống tái nghiện cho người nghiện cai nghiện ma túy; kỹ năng từ chối sử dụng ma túy khi tái hòa nhập cộng đồng.

- Cung cấp thông tin về biện pháp quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng và các chính sách hỗ trợ hòa nhập của nhà nước đối với người sau cai nghiện ma túy; giới thiệu, cung cấp thông tin, địa chỉ dịch vụ công tác xã hội, nhóm sinh hoạt đồng đẳng tại địa phương cho người cai nghiện ma túy.

- Phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, thị trường lao động, tư vấn, giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý nhằm trang bị kiến thức cần thiết, nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người cai nghiện ma túy.

- Hướng dẫn người cai nghiện ma túy xây dựng kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng theo Mẫu số 21 Phụ lục II Nghị định này. Kế hoạch cần xác định mục tiêu, nguyện vọng của người cai nghiện ma túy, hoàn cảnh thực tế, sự hỗ trợ của các nguồn lực, năng lực bản thân người cai nghiện ma túy, chọn việc làm phù hợp với sức khỏe và kỹ năng lao động của bản thân.

6. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình cai nghiện

- Căn cứ quy định tại các Điều 22, 23, 24, 25 và Điều 26 Nghị định 116/2021/NĐ-CP và điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự của đơn vị, cơ sở cai nghiện xây dựng, ban hành quy trình cai nghiện ma túy.

- Quy trình cai nghiện ma túy phải phù hợp với phân loại người nghiện ma túy, thời gian cai nghiện của đối tượng, độ tuổi, giới tính, sức khỏe và trình độ học vấn của đối tượng cai nghiện.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,677

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]