Đề xuất quy định một số hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
28/10/2024 17:45 PM

Nội dung đề xuất quy định một số hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh đang được lấy ý kiến tại dự thảo Thông tư của Bộ Công an.

Đề xuất quy định một số hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh (

Đề xuất quy định một số hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh (Hình từ internet)

Mới đây, Bộ Công an đã công bố dự thảo Thông tư quy định về một số hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh.

Với mục đích xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, thống nhất, tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý vì mục đích quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao hiệu quả, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma tuý, kiểm soát ma túy.

Đề xuất quy định một số hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh

Cụ thể, dự thảo Thông tư đã đề xuất các quy định về các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh gồm:

- Nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển chất ma túy, tiền chất; nhập khẩu, lấy mẫu, bảo quản, phân phối, sử dụng, xử lý mẫu chất ma túy;

- Thẩm quyền cấp phép, đơn vị tiến hành các hoạt động các hoạt động này;

- Hồ sơ, sổ sách quản lý và các biểu mẫu sử dụng trong các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh.

Các quy định trên dự kiến áp dụng với các đối tượng:

(1) Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân; Bộ Đội Biên phòng; Cảnh sát biển và Hải quan;

(2) Lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an nhân dân;

(3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh.

Các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý vì mục đích quốc phòng, an ninh là các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tội phạm ma tuý; truy nguyên nguồn gốc ma tuý; huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma tuý; huấn luyện động vật nghiệp vụ để phát hiện chất ma túy trong lực lượng Công an, Quân đội và Hải quan.

Đề xuất cơ quan cấp phép và đơn vị được tiến hành hoạt động nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh

(1) Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp giấy phép và chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công an theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, vận chuyển chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh.

(2) Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an có trách nhiệm thông báo nội dung cho phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất bằng văn bản gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý ngay sau khi nhiệm vụ nghiên cứu được phê duyệt.

(3) Viện Khoa học hình sự là đơn vị duy nhất được phép nhập khẩu, xuất khẩu chất ma túy, tiền chất; nhập khẩu mẫu chất ma tuý và sản xuất chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh.

(4) Các đơn vị được phép vận chuyển chất ma túy, tiền chất và mẫu chất ma túy gồm:

Đơn vị chức năng thuộc Viện Khoa học hình sự Bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh; Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng; Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và các cơ sở đào tạo người làm công tác phòng, chống ma túy, huấn luyện động vật nghiệp vụ chuyên khoa phát hiện ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam (Bộ Quốc phòng) và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); Các cơ sở đào tạo người làm công tác phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an; Đơn vị Hướng dẫn huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động Bộ Công an.

(5) Các đơn vị được quản lý, sử dụng mẫu chất ma túy bao gồm:

Đơn vị chức năng thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an; Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh được nhận mẫu, quản lý và sử dụng mẫu chất ma túy từ Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an để giám định, huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy và truy nguyên nguồn gốc ma túy;

Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam và Hải quan và các cơ sở đào tạo người làm công tác phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) được nhận mẫu, quản lý và sử dụng mẫu chất ma túy từ Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy;

Các đơn vị huấn luyện động vật nghiệp vụ để phát hiện ma túy thuộc Bộ Công an (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động), Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) được nhận mẫu, quản lý và sử dụng mẫu chất ma túy từ Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an để huấn luyện động vật nghiệp vụ.

(Điều 4 dự thảo Thông tư)

Xem thêm nội dung tại dự thảo Thông tư.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 241

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]