Khi nào phải đóng thuế thu nhập cá nhân? Mức đóng thuế thu nhập cá nhân 2024 là bao nhiêu?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
26/02/2024 14:30 PM

Xin cho tôi hỏi khi nào phải đóng thuế thu nhập cá nhân? Mức đóng thuế thu nhập cá nhân 2024 là bao nhiêu? - Thanh Thủy (Bình Định)

Khi nào phải đóng thuế thu nhập cá nhân? Mức đóng thuế thu nhập cá nhân 2024 là bao nhiêu? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Khi nào phải đóng thuế thu nhập cá nhân?

Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 thì thuế TNCN là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc đối với cá nhân khi có thu nhập tính thuế theo quy định của pháp luật thuế TNCN.

Căn cứ tại Điều 21 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi 2012), Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 quy định về mức giảm trừ gia cảnh, điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về khấu trừ thuế TNCN và Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Theo đó, cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) sau khi đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo, các khoản miễn thuế.

Bên cạnh đó, tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, một số trường hợp cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng và có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, thuế TNCN không chỉ áp dụng đối với cá nhân mà còn áp dụng đối với hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng.

2. Mức đóng thuế thu nhập cá nhân 2024 là bao nhiêu?

Tùy thuộc vào từng loại thu nhập và mức thu nhập tính thuế (tổng thu nhập trừ đi những khoản không tính thuế, khoản được miễn nếu có) mà mức thuế TNCN phải đóng như sau:

- Đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được quy định tại Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:

Mức thuế TNCN phải đóng đối với người có thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính theo lũy tiến từng phần. Nói cách khác, thu nhập tính thuế càng cao thì số thuế phải nộp càng cao (thuế suất càng cao), cụ thể gồm 07 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và mức cao nhất là 35%.

- Đối với thu nhập khi chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

3. Tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công như thế nào?

3.1 Đối với cá nhân cư trú:

* Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên

Căn cứ tại Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 và Điều 7, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thuế TNCN đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên được xác định theo công thức sau:

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Theo đó, để tính được số thuế phải nộp cần phải tính được thu nhập tính thuế và thuế suất, cụ thể:

- Thu nhập tính thuế:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ [1]

Trong đó,

Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập - Các khoản được miễn [2]

- Thuế suất:

Thuế suất từ tiền lương, tiền công đối với cá nhân ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên được áp dụng theo lũy tiến từng phần, cụ thể:

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 60

Đến 5

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35

Hoặc cũng có thể áp dụng phương pháp rút gọn theo Phụ lục: 01/PL-TNCN Ban hành kèm theo Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:

Bậc

Thu nhập tính thuế /tháng (đồng)

Thuế suất

Tính số thuế phải nộp

Cách 1

Cách 2

1

Đến 5 triệu

5%

0 triệu + 5% TNTT

5% TNTT

2

Trên 5 triệu đến 10 triệu

10%

0,25 triệu + 10% TNTT trên 5 triệu

10% TNTT - 0,25 triệu

3

Trên 10 triệu đến 18 triệu

15%

0,75 triệu + 15% TNTT trên 10 triệu

15% TNTT - 0,75 triệu

4

Trên 18 triệu đến 32 triệu

20%

1,95 triệu + 20% TNTT trên 18 triệu

20% TNTT - 1,65 triệu

5

Trên 32 triệu đến 52 triệu

25%

4,75 triệu + 25% TNTT trên 32 triệu

25% TNTT - 3,25 triệu

6

Trên 52 triệu đến 80 triệu

30%

9,75 triệu + 30% TNTT trên 52 triệu

30 % TNTT - 5,85 triệu

7

Trên 80 triệu

35%

18,15 triệu + 35% TNTT trên 80 triệu

35% TNTT - 9,85 triệu

* Không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng

Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động mà có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập (khấu trừ luôn trước khi trả tiền).

Nói cách khác, cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng mà có thu nhập từ tiền lương, tiền cồng mỗi lần nhận từ 02 triệu đồng trở lên phải nộp thuế với mức 10%, trừ trường hợp làm cam kết theo Mẫu 08/CK-TNCN nếu đủ điều kiện.

Số thuế phải nộp được tính như sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 10% x Tổng thu nhập trước khi trả

3.2 Đối với cá nhân không cư trú

Theo Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như sau:

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x Thuế suất (20%).

Trong đó, thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công tại Việt Nam trong trường hợp cá nhân không cư trú làm việc đồng thời ở Việt Nam và nước ngoài nhưng không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam  thực hiện theo công thức sau:

Trường hợp 1: Đối với trường hợp cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam

 = 

Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam

 x  

Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế)

+  

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

Tổng số ngày làm việc trong năm

Trong đó: Tổng số ngày làm việc trong năm được tính theo chế độ quy định tại Bộ Luật Lao động của Việt Nam.

Trường hợp 2: Đối với các trường hợp cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam:

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam

 = 

Số ngày có mặt ở Việt Nam

 x 

Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế)

 + 

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam

365 ngày

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam tại các trường hợp nêu trên là các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền mà người lao động được hưởng ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ cho người lao động.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 187,822

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn