Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được chính thức thành lập vào ngày tháng năm nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
20/02/2024 09:44 AM

Cho tôi hỏi Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được chính thức thành lập vào ngày tháng năm nào? - Khánh An (Tiền Giang)

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được chính thức thành lập vào ngày tháng năm nào?

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được chính thức thành lập vào ngày tháng năm nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được chính thức thành lập vào ngày tháng năm nào? 

Theo Quyết định 614/QĐ-TTg năm 2013 thì Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội vào ngày 24/04/2013.

Thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát.

Trụ sở của Trường: tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, trực thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

2. Đối tượng và điều kiện dự tuyển vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội 

Đối tượng và điều kiện dự tuyển vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội theo Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 352/QĐ-T2-ĐT ngày 25/4/2023 như sau:

- Đối tượng dự tuyển được xác định tại thời điểm sơ tuyển, xét tuyển (trước khi công bố kết quả xét tuyển chính thức): Người đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương;

- Đối tượng dự tuyển quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 352/QĐ-T2-ĐT ngày 25/4/2023 phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Đạt ngưỡng đầu vào theo quy định công bố tại Đề án tuyển sinh của Trường;

+ Đạt sơ tuyển theo quy định của ngành Kiểm sát (đối với thí sinh đăng ký dự tuyển ngành Luật, chuyên ngành Kiểm sát);

+ Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành;

+ Đạt các điều kiện về kết quả học tập, rèn luyện và các điều kiện khác của Trường quy định cụ thể tại Đề án tuyển sinh hàng năm;

+ Có đủ thông tin cá nhân, hồ sơ dự tuyển theo quy định.

- Đối với một chương trình đào tạo hoặc một ngành đào tạo áp dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh, Trường quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện dự tuyển cho mỗi phương thức tuyển sinh nhưng phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 352/QĐ-T2-ĐT ngày 25/4/2023.

- Đối với thí sinh khuyết tật bị suy giảm khả năng học tập, Trường thực hiện các biện pháp cần thiết và tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh có nguyện vọng được đăng ký dự tuyển và theo học các ngành, chuyên ngành phù hợp với điều kiện sức khỏe của thí sinh.

3. Phương thức tuyển sinh đại học của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội 

Phương thức tuyển sinh đại học của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội theo Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 352/QĐ-T2-ĐT ngày 25/4/2023 như sau:

- Hàng năm trong Đề án tuyển sinh, Trường quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho Trường hoặc áp dụng riêng cho từng chương trình, ngành, chuyên ngành và hình thức đào tạo. Một chương trình, ngành, chuyên ngành và hình thức đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.

- Mỗi phương thức tuyển sinh Trường quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành, chuyên ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo mà Trường đào tạo.

- Đối với phương thức tuyển sinh kết hợp giữa sơ tuyển (đối với thí sinh đăng ký dự thi ngành Luật, chuyên ngành Kiểm sát) và kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (bao gồm điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT và các kết quả đánh giá khác):

+ Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo (có thể tính hệ số cho từng môn), trong đó có môn toán hoặc ngữ văn;

+ Một ngành, một chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn, trong đó có thể quy định điểm chênh lệch giữa các tổ hợp khi xác định điều kiện trúng tuyển;

+ Không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo (trừ trường hợp các tổ hợp môn chỉ khác nhau ở môn ngoại ngữ). 

- Đối với một ngành, chương trình đào tạo có chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển:

+ Việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển phải phù hợp với quy định chung của Bộ GDĐT và thực tiễn của ngành Kiểm sát nhân dân; không gây mất công bằng cho các thí sinh chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau;

+ Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải phù hợp với yêu cầu chung của ngành Kiểm sát nhân dân, Bộ GDĐT và có lộ trình hợp lý; không làm tỉ lệ phân bổ chỉ tiêu của một phương thức, tổ hợp đã sử dụng trong năm trước giảm quá 30% (trong cơ cấu chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo) trừ trường hợp việc thay đổi, bổ sung đó đã được công bố trước thời điểm mở đăng ký dự tuyển ít nhất 1 năm.

- Trưởng chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm.

Tải về Quyết định 352/QĐ-T2-ĐT ngày 25/4/2023 tại đây:

Quyết định 352/QĐ-T2-ĐT


 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,133

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]