Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam là ai?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
27/11/2023 12:15 PM

Tôi muốn biết Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam là ai? Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có các nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào? – Khánh Linh (Long An)

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam là ai?

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam là ai? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam là ai?

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam là chức vụ đứng đầu Tòa án nhân dân Tối cao, do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội.

Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

(Điều 26 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014)

Hiện nay, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam là ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng.

Ông sinh năm 1958, quê ở Quảng Ngãi, là Phó Giáo sư, Tiến sỹ Luật.

Tóm tắt quá trình công tác

1975 - 1980: Sinh viên khóa 7, Trường Đại học An Ninh nhân dân

1980 - 1987: Đội trưởng Văn phòng Công an huyện Tam Kỳ, Phó Văn phòng tổng hợp, Phó Phòng nghiên cứu khoa học Công an tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng

1987 - 1991: Nghiên cứu sinh Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô

1992: Phó Phòng đấu tranh án công nghiệp, Phó Bí thư chi bộ P2, Cục CSKT Bộ Công an (C15)

1995 - 1999: Trưởng Phòng đấu tranh án công nghiệp, Bí thư chi bộ P2, Cục CSKT Bộ Công an (C15), Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy C15

1999 - 2001: Phó Cục trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy C15- Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an

2002 - 2004: Cục trưởng, Bí thư Đảng ủy C15, Ủy viên Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an

2005 - 2006: Phó Tổng cục trưởng, Ủy viên Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an

2007 - 2008: Thiếu tướng, Ủy viên thường vụ Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát, Phó Tổng cục trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an

2008 - 2010: Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi

2010: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Tháng 1/2011: Được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

Tháng 7/2011: Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao

Tháng 1/2016: Được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII.

Ngày 8/4/2016: Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã bầu ông Nguyễn Hòa Bình giữ chức vụ Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Cụ thể tại Điều 27 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao như sau:

- Tổ chức công tác xét xử của Tòa án nhân dân tối cao; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

- Chủ tọa phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án nhân dân theo quy định của luật tố tụng.

- Trình Chủ tịch nước ý kiến của mình về trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình.

- Chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ.

- Chỉ đạo việc soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; ban hành hoặc phối hợp ban hành văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Trình Quốc hội phê chuẩn việc đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán các Tòa án khác.

- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh theo quy định tại khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 36, khoản 1 Điều 42, khoản 1 Điều 43, khoản 1 Điều 47, khoản 1 Điều 48, khoản 1 Điều 60, khoản 1 Điều 61, khoản 1 Điều 62, khoản 1 Điều 63, khoản 1 Điều 64 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và các chức vụ trong Tòa án nhân dân tối cao, trừ các chức vụ thuộc thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức của Chủ tịch nước.

- Quyết định luân chuyển, điều động, biệt phái Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 78, khoản 2 Điều 79 và khoản 2 Điều 80 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, trừ Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án quân sự quân khu và tương đương; Tòa án quân sự khu vực; quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp cao và thành lập các Tòa chuyên trách khác của Tòa án nhân dân khi xét thấy cần thiết.

Trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao.

- Quyết định việc tổ chức Tòa chuyên trách theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 và khoản 1 Điều 45; quy định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 24, khoản 2 Điều 34, khoản 2 Điều 41, Điều 46, khoản 4 Điều 51, khoản 3 Điều 55 và khoản 3 Điều 58 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 6 Điều 66, khoản 3 và khoản 4 Điều 70, khoản 7 Điều 75, khoản 4 Điều 88, khoản 3 Điều 92 và khoản 3 Điều 93 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014.

- Quyết định phân bổ biên chế, số lượng Thẩm phán, ngân sách chi cho hoạt động của các Tòa án nhân dân; quy định biên chế của các Tòa án quân sự sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện biên chế, quản lý cán bộ, quản lý và sử dụng ngân sách, cơ sở vật chất của Tòa án nhân dân.

- Tổ chức công tác đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác của Tòa án nhân dân.

- Chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước; trả lời chất vấn, kiến nghị của đại biểu Quốc hội.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật tố tụng; giải quyết những việc khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 16,629

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]