Công dân nào được khám sức khỏe tuyển chọn nghĩa vụ Công an nhân dân?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
13/11/2023 09:15 AM

Xin cho tôi hỏi theo quy định thì công dân nào được khám sức khỏe tuyển chọn nghĩa vụ Công an nhân dân? - Hồng Phúc (Bình Định)

Công dân nào được khám sức khỏe tuyển chọn nghĩa vụ Công an nhân dân?

Công dân nào được khám sức khỏe tuyển chọn nghĩa vụ Công an nhân dân? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Công dân nào được khám sức khỏe tuyển chọn nghĩa vụ Công an nhân dân?

Theo Điều 2 Thông tư 45/2019/TT-BCA quy định công dân được khám sức khỏe tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, gồm:

- Công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự;

- Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

2. Tiêu chuẩn sức khỏe tuyển chọn nghĩa vụ Công an nhân dân

Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 45/2019/TT-BCA quy định tiêu chuẩn sức khỏe tuyển chọn nghĩa vụ Công an nhân dân như sau:

- Tiêu chuẩn thể lực để tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại Bảng số 1 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 45/2019/TT-BCA.

- Tiêu chuẩn sức khỏe về lâm sàng, cận lâm sàng của công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân thực hiện theo quy định hiện tại Bảng số 2 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 45/2019/TT-BCA.

- Chỉ công nhận đủ sức khỏe để tuyển chọn đối với công dân có sức khỏe Loại 1 (một), Loại 2 (hai) và đáp ứng các chỉ số đặc biệt sau:

+ Không nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy.

+ Màu và dạng tóc bình thường.

+ Không bị rối loạn sắc tố da.

+ Không có các vết trổ (xăm) trên da, kể cả phun xăm trên da.

+ Không bấm lỗ ở tai (đối với nam), ở mũi và ở các vị trí khác trên cơ thể để đeo đồ trang sức.

+ Không mắc các bệnh mạn tính, bệnh xã hội.

+ Không có sẹo lồi co kéo ở vùng đầu, mặt, cổ, cẳng tay, bàn tay, bàn chân.

3. Quy định về khám sức khỏe tuyển chọn nghĩa vụ Công an nhân dân

(1) Thành phần, nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ của Hội đồng, nhiệm vụ của các thành viên trong Hội đồng, thời gian khám sức khỏe và tổ chức các phòng khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP. Công an cấp huyện cử 01 cán bộ y tế Công an tham gia Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện.

(2) Nội dung khám sức khỏe

- Khám về thể lực; khám lâm sàng các chuyên khoa theo các chỉ tiêu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 45/2019/TT-BCA; trong quá trình khám, trường hợp công dân được khám có một trong các chuyên khoa xếp điểm 3 trở lên thì người khám chuyên khoa đó có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe xem xét, quyết định việc tiếp tục khám các chuyên khoa khác;

- Khám cận lâm sàng:

+ Xét nghiệm máu: Công thức máu; nhóm máu, đường máu, HIV, HBsAg, HCV;

+ Xét nghiệm nước tiểu: Đường niệu, protein niệu, ma túy và tiền chất

+ Chụp X - quang ngực thẳng.

Trường hợp cần chỉ định cận lâm sàng khác phục vụ cho kết luận sức khỏe theo yêu cầu của Hội đồng khám sức khỏe.

- Phân loại sức khỏe theo các quy định..

- Các tiêu chuẩn khác theo quy định..

(Điều 10 Thông tư 45/2019/TT-BCA)

4. Quy định về khám phúc tra tuyển chọn nghĩa vụ Công an nhân dân

(1) Đối tượng phúc tra: Toàn bộ công dân được Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện kết luận đủ sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

(2) Hội đồng phúc tra sức khỏe

- Hội đồng phúc tra:

Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương ra quyết định thành lập Hội đồng trên cơ sở đề nghị của cơ quan Tổ chức cán bộ sau khi đã thống nhất ý kiến với cơ quan y tế. Mỗi đơn vị, địa phương tổ chức 01 Hội đồng phúc tra sức khỏe, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

- Thành phần Hội đồng:

+ Hội đồng có từ 3 đến 5 bác sĩ, có tối thiểu 01 bác sĩ nội khoa và 01 bác sĩ ngoại khoa;

+ Chủ tịch Hội đồng: Giám đốc bệnh viện, Trưởng Phòng Y tế hoặc Bệnh xá trưởng;

+ Phó Chủ tịch Hội đồng: Phó Giám đốc bệnh viện, Phó Trưởng Phòng Y tế hoặc Phó Bệnh xá trưởng;

+ Các thành viên Hội đồng.

(3) Nội dung khám phúc tra sức khỏe

Toàn bộ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư 45/2019/TT-BCA. Riêng đối với các kết quả cận lâm sàng đã được thực hiện tại Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ cấp huyện, chỉ tiến hành phúc tra những nội dung cận lâm sàng không có trong hồ sơ khám sức khỏe.

(4) Tổ chức các phòng khám phúc tra sức khỏe

- Bố trí các phòng khám phải theo nguyên tắc một chiều, khép kín thuận lợi cho người khám và bảo đảm đủ điều kiện tối thiểu để khám đối với từng chuyên khoa.

- Số lượng các phòng khám căn cứ vào số lượng nhân viên y tế của Hội đồng khám phúc tra sức khỏe và tình hình thực tế để bố trí, gồm có:

+ Phòng khám thể lực, vận động, Mắt, Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt;

+ Phòng khám nội tiết, tiết niệu - sinh dục, da liễu, ung bướu;

+ Phòng khám tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, tâm thần - thần kinh;

+ Phòng xét nghiệm đủ điều kiện để xét nghiệm theo các nội dung khám sức khỏe tại điểm b khoản 2 Điều 10 Thông tư 45/2019/TT-BCA;

+ Phòng chụp X - quang (nếu có);

+ Phòng khám phụ khoa (nếu có);

+ Phòng kết luận.

(Điều 11 Thông tư 45/2019/TT-BCA)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,288

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]