Người bị tố giác được phép thực hiện các quyền gì?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
02/11/2023 13:00 PM

Xin cho hỏi tôi bị tố giác được mời đến cơ quan công an làm việc thì tôi được phép thực hiện các quyền gì? - Ngọc Trí (Hải Phòng)

Người bị tố giác được phép thực hiện các quyền gì?

Người bị tố giác được phép thực hiện các quyền gì? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Người bị tố giác được phép thực hiện các quyền gì?

Cụ thể tại Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có các quyền sau:

- Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;

- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

- Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;

- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

- Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

- Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Lưu ý: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố.

2. Quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác

Căn cứ theo Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố như sau:

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là:

+ Luật sư;

+ Bào chữa viên nhân dân;

+ Người đại diện;

+ Trợ giúp viên pháp lý.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:

+ Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

+ Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

+ Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;

+ Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;

+ Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có nghĩa vụ:

+ Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án;

+ Giúp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

3. Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác

Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

- Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

- Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

+ Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

+ Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

- Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

+ Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

+ Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

+ Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,302

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]