Tải App trên Android

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
14/10/2023 17:21 PM

Xin cho tôi hỏi thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là bao lâu? - Ngân Khánh (Tiền Giang)

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền

Theo Điều 194 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền như sau:

- Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.

- Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.

- Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:

- Hòa giải viên lao động;

- Hội đồng trọng tài lao động;

- Tòa án nhân dân.

Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.

(Điều 191 Bộ luật Lao động 2019)

3. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền

Căn cứ theo Điều 192 Bộ luật Lao động 2019 quy định trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền như sau:

- Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019.

Đối với tranh chấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì hòa giải viên lao động lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

+ Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Lao động 2019;

+ Yêu cầu Tòa án giải quyết.

4. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động

Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động được quy định tại Điều 193 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

- Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật Lao động 2019, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.

Đối với tranh chấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Lao động 2019 thì trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 193 Bộ luật Lao động 2019 mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 193 Bộ luật Lao động 2019 mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,094

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]