Thủ tục thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
05/09/2023 09:00 AM

Cho tôi hỏi thủ tục thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập được quy định thế nào? - Tuyết Nhi (Trà Vinh)

Thủ tục thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập

Thủ tục thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nguyên tắc thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập

Nguyên tắc thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 120/2020/NĐ-CP như sau:

- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phải thành lập Hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng của đơn vị;

- Căn cứ vào điều kiện cụ thể, yêu cầu quản lý và quy định của pháp luật chuyên ngành, trường hợp cần thiết, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc thành lập Hội đồng quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập không thuộc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 120/2020/NĐ-CP.

2. Điều kiện thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập

Điều kiện thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 120/2020/NĐ-CP như sau:

Các đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại mục 1 được Nhà nước giao vốn, tài sản để thực hiện cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật.

3. Số lượng thành viên của Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập

Số lượng thành viên của Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập theo khoản 4 Điều 7 Nghị định 120/2020/NĐ-CP như sau:

Hội đồng quản lý có từ 05 đến 11 thành viên; Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập bổ nhiệm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 05 năm. Cơ cấu và số lượng thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Đại diện của cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập trong Hội đồng quản lý gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

4. Quy chế hoạt động Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập

Quy chế hoạt động Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập theo khoản 5 Điều 7 Nghị định 120/2020/NĐ-CP như sau:

- Hội đồng quản lý hoạt động theo Quy chế hoạt động được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực;

- Quy định về mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý, gồm: Hội đồng quản lý quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý điều hành hoạt động của đơn vị thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý về kết quả thực hiện nghị quyết;

- Quy định về mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với cơ quan quản lý cấp trên trong Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý, gồm: 

+ Hội đồng quản lý chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao; 

+ Hội đồng quản lý có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; 

+ Cơ quan quản lý cấp trên thông qua hoặc có ý kiến đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của Hội đồng quản lý.

5. Thủ tục thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập

Thủ tục thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập theo khoản 6 Điều 7 Nghị định 120/2020/NĐ-CP như sau:

- Đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện quy định tại mục 2 lập hồ sơ gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 6 Điều 7 Nghị định 120/2020/NĐ-CP và khoản 7 Điều 7 Nghị định 120/2020/NĐ-CP để được xem xét, quyết định thành lập Hội đồng quản lý.

Hồ sơ đề nghị gồm: 

+ Văn bản đề nghị thành lập Hội đồng quản lý; 

+ Đề án thành lập Hội đồng quản lý;

+ Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý;

+ Các tài liệu liên quan chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại mục 2; 

+ Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan về việc thành lập Hội đồng quản lý; các giấy tờ có liên quan khác (nếu có);

- Cơ quan, tổ chức thẩm định: 

+ Vụ Tổ chức cán bộ hoặc Ban Tổ chức cán bộ là tổ chức thẩm định đối với việc thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập; 

+ Cơ quan chuyên môn tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan thẩm định đối với việc thành lập Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Căn cứ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định 120/2020/NĐ-CP và văn bản đề nghị thành lập, văn bản thẩm định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 7 Điều 7 Nghị định 120/2020/NĐ-CP xem xét, quyết định thành lập Hội đồng quản lý.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,143

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn