Hành nghề coi bói có bị vi phạm pháp luật không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/08/2023 15:30 PM

Xin hỏi hành nghề coi bói có bị vi phạm pháp luật không? Xử lý hành vi bói toán được quy định như thế nào? - Hoàng Long (Đồng Nai)

Hành nghề coi bói có bị vi phạm pháp luật không? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hành nghề coi bói có bị vi phạm pháp luật không?

Hiện nay, pháp luật không có quy định nào cấm hoạt động bói toán. Vì vậy, việc xem bói vẫn có thể được thực hiện. Tuy nhiên, việc xem bói phải không nhằm mục đích trục lợi, không gây hậu quả xấu và không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự thì sẽ không bị xử lý.

Ngược lại, đối với hành vi lợi dụng bói toán vi phạm quy định để trục lợi bất chính sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm pháp luật mà chủ thể thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Xử lý hành vi xem bói trái pháp luật như thế nào?

2.1 Mức xử phạt hành chính 

Hiện nay, quy định về xử phạt vi phạm hành chính hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan được quy định tại khoản 4 và khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP như sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan. 

Như vậy, nếu việc xem bói biến tường thành mê tín dị đoan thì cá nhân bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Tổ chức hành hoạt động mê tín dị đoan thì bị phạt từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng. 

2.2 Mức xử lý hình sự 

Theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội hành nghề mê tín, dị đoan.

Theo đó, khung hình phạt đối với hành vi hành nghề mê tín, dị đoan như sau:

- Khung 01: Phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.

- Khung 02: Phạt tù từ 03 - 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

+ Làm chết người;

+ Thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng.

Theo đó, hành vi cấu thành tội hành nghề mê tín dị đoan như sau:

- Khách thể của tội phạm: Tội phạm xâm phạm vào nếp sống văn minh trong xã hội, xâm phạm vào trật tự - an toàn xã hội.

- Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi hành nghề mê tín dị đoan. Đó là hành vi bói toán dưới mọi hình thức làm mất trật tự công cộng và gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Người phạm tội sử dụng các hình thức bói toán mê tín, vượt ra khỏi phạm trù tâm linh, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà vẫn vi phạm.

- Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý gián tiếp.

- Chủ thể của tội phạm: Tội phạm được thực hiện bởi những người đã có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự cho chính hành vi của mình.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,529

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn