Nhà giáo, giáo viên và giảng viên khác nhau thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
17/07/2023 12:20 PM

Trong trường học khi nào gọi là nhà giáo, khi nào gọi là giảng viên, giáo viên? Quyền của nhà giáo được quy định ra sao? - Chí Thành (Sóc Trăng)

“Nhà giáo”, “giáo viên”, “giảng viên” tưởng chừng chỉ là những cụm từ hết sức bình thường chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày; tuy nhiên thực tế lại có rất nhiều người vẫn gọi sai so với quy định của pháp luật. Vậy gọi thế nào mới đúng?

Phân biệt nhà giáo, giáo viên và giảng viên

Phân biệt nhà giáo, giáo viên và giảng viên (Hình từ internet)

Nhà giáo, giáo viên và giảng viên khác nhau thế nào?

Khoản 1 Điều 66 Luật Giáo dục 2019 quy định về nhà giáo, giáo viên và giảng viên như sau:

“Điều 66. Vị trí, vai trò của nhà giáo

1. Nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục, trừ cơ sở giáo dục quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 của Luật này.

Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên.

2. Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh.

…”

Như vậy, nhà giáo là cách gọi chung của giáo viên và giảng viên trong cơ sở giáo dục, trong đó:

- Giáo viên là nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạu trình độ sơ cấp, trung cấp;

- Giảng viên là nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên.

Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo

Nhiệm vụ của nhà giáo bao gồm:

- Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục.

- Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo.

- Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.

- Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.

Quyền của nhà giáo bao gồm:

- Được giảng dạy theo chuyên môn đào tạo.

- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.

- Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục khác hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học.

- Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể.

- Được nghỉ hè theo quy định của Chính phủ và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật.

Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo

Theo khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 thì trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

- Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

- Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;

- Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên

Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên như sau:

(1) Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non

- Lộ trình thực hiện từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030.

- Lộ trình được thực hiện thành hai giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm;

+ Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

(2) Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học

- Lộ trình thực hiện từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030.

- Lộ trình được thực hiện thành hai giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

+ Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên tiểu học hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

(3) Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên trung học cơ sở

- Lộ trình thực hiện từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030.

- Lộ trình được thực hiện thành hai giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

+ Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên trung học cơ sở hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 25,298

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]