Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
19/06/2023 16:35 PM

Tôi muốn hỏi Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan gì? Ủy ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào? - Phước Đạt (Cần Thơ)

Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan gì?

Theo khoản 1 Điều 44 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020) thì Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Cụ thể tại Điều 74 Hiến pháp 2013, Ủy ban thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì kỳ họp Quốc hội;

- Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao; giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;

- Giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;

- Đình chỉ việc thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất;

Bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội;

- Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước;

- Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; bãi bỏ nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên;

Giải tán Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân;

- Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh trong trường hợp Quốc hội không thể họp được và báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;

- Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

- Thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội;

- Phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.

3. Thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội bao gồm những ai?

Thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo khoản 2 Điều 44 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020) thì Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm:

- Chủ tịch Quốc hội;

- Các Phó Chủ tịch Quốc hội;

- Các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội làm Phó Chủ tịch. 

Thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và không đồng thời là thành viên Chính phủ.

Số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định.

Ngoài ra thì nhiệm kỳ của Ủy ban thường vụ Quốc hội bắt đầu từ khi được Quốc hội bầu ra và kết thúc khi Quốc hội khóa mới bầu ra Ủy ban thường vụ Quốc hội theo khoản 2 Điều 44 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 (sửa đổi 2020).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 13,884

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]