Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
31/05/2023 15:40 PM

Xin cho hỏi quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn như thế nào? - Thanh Tuyền (Bến Tre)

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Căn cứ theo khoản 1 Điều 11 Nghị quyết 85/2014/QH13 quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp sau đây:

- Ủy ban thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị;

- Có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội;

- Có kiến nghị của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội;

- Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”.

2. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Căn cứ theo Điều 13 Nghị quyết 85/2014/QH13 quy định quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn như sau:

- Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội.

- Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội.

- Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

- Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

- Uỷ ban thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

- Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

- Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

- Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.

- Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3. Quy định phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Theo Điều 16 Nghị quyết 85/2014/QH13 quy định về phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như sau:

- Phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm được thể hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 85/2014/QH13, gồm các phiếu riêng đối với từng chức vụ và nhóm chức vụ.

Trên từng phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ “tín nhiệm cao”,“tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 85/2014/QH13 thì trên phiếu tín nhiệm ghi đầy đủ các chức vụ đó.

Phiếu sử dụng trong bỏ phiếu tín nhiệm được thể hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 85/2014/QH13, gồm phiếu riêng đối với từng người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

- Những trường hợp sau đây là phiếu không hợp lệ:

+ Phiếu không theo mẫu quy định do Ban kiểm phiếu phát ra;

+ Phiếu không xác định mức độ tín nhiệm hoặc lựa chọn nhiều hơn một mức độ tín nhiệm.

- Trường hợp phiếu ghi tên nhiều người mà phần thể hiện mức độ tín nhiệm đối với một người không hợp lệ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị quyết 85/2014/QH13 thì chỉ xác định kết quả không hợp lệ đối với người đó, kết quả thể hiện mức độ tín nhiệm đối với những người còn lại trong danh sách vẫn hợp lệ.

Trường hợp phiếu có ghi thêm tên của người ngoài danh sách đã có trong phiếu do Ban kiểm phiếu phát ra thì phần ghi thêm đó không có giá trị; kết quả thể hiện mức độ tín nhiệm đối với những người còn lại trong danh sách vẫn hợp lệ.

4. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Theo đó, Điều 16 Nghị quyết 85/2014/QH13 quy định về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như sau:

- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng người được Ban kiểm phiếu công bố công khai tại kỳ họp gồm các nội dung sau đây:

+ Họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm;

+ Tổng số phiếu phát ra, số phiếu thu về và số phiếu hợp lệ;

+ Tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm cao”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân;

+ Tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân;

+ Tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với từng người được Ban kiểm phiếu công bố công khai tại kỳ họp gồm các nội dung sau đây:

+ Họ tên, chức vụ của người được bỏ phiếu tín nhiệm;

+ Tổng số phiếu phát ra, số phiếu thu về và số phiếu hợp lệ;

+ Tổng số phiếu “tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân;

+ Tổng số phiếu “không tín nhiệm”, tỷ lệ phần trăm so với tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Tổng số đại biểu Quốc hội, tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân được sử dụng làm căn cứ để tính tỷ lệ phiếu là số đại biểu của Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đang bị tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ đại biểu không được tính vào tổng số này.

- Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm ghi rõ thời gian lấy phiếu tín nhiệm, tổng số người được lấy phiếu tín nhiệm; đánh giá chung về việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm và kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng người; xác định những người thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị quyết 85/2014/QH13.

- Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm ghi rõ thời gian, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, xác định người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân không tín nhiệm.

Hồ Quốc Tuấn

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,428

Bài viết về

Kỳ họp Quốc hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn