Quy định về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
19/04/2023 15:30 PM

Tôi muốn biết việc xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em được thực hiện thế nào theo quy định tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP? - Như Phương (Kiên Giang)

Quy định về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em

Quy định về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là xử lý dữ liệu cá nhân?

Theo khoản 7 Điều 2 Nghị định 13/2023/NĐ-CP, xử lý dữ liệu cá nhân là một hoặc nhiều hoạt động tác động tới dữ liệu cá nhân, như: thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, kết hợp, truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chia sẻ, truyền đưa, cung cấp, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu cá nhân hoặc các hành động khác có liên quan.

Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể.

Trong đó, dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

(Khoản 1 Điều 2 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)

2. Quy định về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em

Cụ thể tại Điều 20 Nghị định 13/2023/NĐ-CP quy đinh về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em như sau:

- Xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em luôn được thực hiện theo nguyên tắc bảo vệ các quyền và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

- Việc xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em phải có sự đồng ý của trẻ em trong trường hợp trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ theo quy định.

Trừ các trường hợp quy định tại Điều 17 Nghị định 13/2023/NĐ-CP cụ thể như sau:

+ Trong trường hợp khẩn cấp, cần xử lý ngay dữ liệu cá nhân có liên quan để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.

+ Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.

+ Việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật.

+ Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật.

+ Phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.

Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba phải xác minh tuổi của trẻ em trước khi xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em.

- Ngừng xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em, xóa không thể khôi phục hoặc hủy dữ liệu cá nhân của trẻ em trong trường hợp:

+ Xử lý dữ liệu không đúng mục đích hoặc đã hoàn thành mục đích xử lý dữ liệu cá nhân được chủ thể dữ liệu đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

+ Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em rút lại sự đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

+ Theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có đủ căn cứ chứng minh việc xử lý dữ liệu cá nhân gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Nội dung thông báo xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em

Nội dung thông báo cho chủ thể dữ liệu về xử lý dữ liệu cá nhân bao gồm:

(i) Mục đích xử lý;

(ii) Loại dữ liệu cá nhân được sử dụng có liên quan tới mục đích xử lý quy định tại (i);

(iii) Cách thức xử lý;

(iv) Thông tin về các tổ chức, cá nhân khác có liên quan tới mục đích xử lý quy định tại (i);

(v) Hậu quả, thiệt hại không mong muốn có khả năng xảy ra;

(vi) Thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc xử lý dữ liệu.

* Lưu ý:

- Việc thông báo được thực hiện một lần trước khi tiến hành đối với hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân.

- Việc thông báo cho chủ thể dữ liệu phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được.

(Khoản 1, 2, 3 Điều 13 Nghị định 13/2023/NĐ-CP)

Nghị định 13/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,614

Bài viết về

lĩnh vực Công nghệ thông tin

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn