Hãy hiểu cho doanh nghiệp
Mọi chuyện xảy ra đều có lý của nó, nên việc người sử dụng lao động tẩy chay lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh cũng có nguyên cớ của họ.
Tại sao không tẩy chay lao động vùng khác mà lại tẩy chay lao động 3 tỉnh này (3/63 tỉnh). Có thể chỉ vì những “con sâu làm rầu nồi canh” nên các doanh nghiệp có cách nhìn không thiện cảm với lao động vùng này.
Tương tự, không phải người Việt Nam nào cũng xấu, tuy nhiên khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam thấy cảnh “chặt chém” thì lúc về nước sẽ đọng lại hình ảnh “người Việt không thân thiện” và truyền thông điệp đó đến với những người quen biết. Bởi thế, không thể bắt khách nước ngoài thay đổi cách nhìn đối với Việt Nam mà tự chúng ta phải thay đổi mình.
Tuy nhiên, trong thực tiễn đời sống đôi khi có những nguyên cớ xuất phát từ sự nhìn nhận sai lầm, sau đó tạo ra sự kích thích dây chuyền, nhiều người hiểu sai về một vấn đề. Có thể doanh nghiệp tẩy chay lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh là hậu quả của cách hiểu domino sai lầm đấy.
Không nhận lao động Thanh–Nghệ–Tĩnh là không trái luật
Luật sư Triệu Dũng, trưởng VPLS Triệu Dũng và Cộng sự (Hà Nội) khẳng định: “Hành vi không nhận lao động quê Thanh – Nghệ – Tĩnh của một số doanh nghiệp là sự kỳ thị, phân biệt đối xử khó có thể tha thứ và không thể chấp nhận trong xã hội của chúng ta”.
Luật sư có dẫn chiếu điểm a khoản 1 điều 5 BLLĐ 2012 “Người lao động có các quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử” và khoản 1 điều 10 “Người lao động được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm”. Để chúng minh cho khẳng định của mình.
Tuy nhiên, mối quan hệ của người sử dụng lao động và người lao động là quan hệ mua bán hàng hóa sức lao động, quan hệ này chỉ được thiết lập khi “thuận mua vừa bán”, mọi hành vi ép buộc người sử dụng lao động nhận lao động vào làm việc và ngược lại đều trái luật.
Mặt khác điều 11 BLLĐ 2012 quy định “Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động, có quyền tăng, giảm lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh”. Vì vậy, người sử dụng lao động sẽ toàn quyền trong việc tuyển dụng, lựa chọn lao động phù hợp cho doanh nghiệp.
Nên việc doanh nghiệp từ chối lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh hoàn toàn không vi phạm pháp luật.
Đừng “chọc tức” Doanh nghiệp
Nếu báo chí, dư luận và cơ quan có thẩm quyền cứ cho rằng việc không nhận lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh vào làm việc là trái luật, vô hình chung họ đã “chọc tức” doanh nghiệp. Nếu Doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng có quy định không tuyển lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh thì đó chính là sự phân biệt đối xử, điều này bị pháp luật cấm. Nhưng họ phân biệt đối xử ngầm, không công khai, cứ nhận hồ sơ và loại hồ sơ ngay từ vòng đầu đối với dân Thanh – Nghệ – Tĩnh thì pháp luật không thể can thiệp.
Một khi dư luận “chọc tức” doanh nghiệp thì họ sẽ trả đủa bằng cách phân biệt ngầm, truyền “bí quyết” từ doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác, làn sóng kỳ thị cứ tăng dần và khi ấy kẻ bị hại chính là người lao động.
Thay vì khẳng định doanh nghiệp hành xử trái luật thì chính bản thân người lao động cũng như cơ quan có thẩm quyền nên vào cuộc để làm hình ảnh người lao động vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh đẹp lên bằng những tấm gương tốt. Như vậy người sử dụng lao động mới có ánh nhìn thiện cảm với lao động xứ Thanh – Nghệ – Tĩnh.
Lời kết:
Bài viết này không đồng tình với làn sóng tẩy chay lao động Thanh – Nghệ – Tĩnh, nhưng cách giải quyết vấn đề trên không phải ở chỗ phán xét doanh nghiệp đúng hay sai mà nên tìm ra hướng đi hợp lý nhất. Đừng để việc giúp người lao động trở thành khó khăn hơn cho họ.
Thanh Hữu