Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
22/02/2023 08:28 AM

Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa cần đáp ứng những tiêu chuẩn gì? – Quốc Thái (Bình Dương)

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa được quy định tại Thông tư 02/2023/TT-BVHTTDL, có hiệu lực từ ngày 10/4/2023, cụ thể như sau:

1. Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa

1.1. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa

- Tuyên truyền viên văn hóa chính:

+ Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa;

+ Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa.

- Tuyên truyền viên văn hóa:

+ Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa;

+ Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa.

- Tuyên truyền viên văn hóa trung cấp:

+ Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa;

+ Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa.

1.2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa

- Tuyên truyền viên văn hóa chính:

+ Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tuyên truyền;

+ Nắm vững phương pháp tổ chức, hình thức hoạt động tuyên truyền;

+ Nắm vững lịch sử, văn hóa, xã hội trên địa bàn được phân công quản lý;

+ Có chuyên môn về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; am hiểu kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền;

+ Có năng lực thu thập, phân tích, tổng hợp và đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền ;

+ Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

- Tuyên truyền viên văn hóa:

+ Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tuyên truyền;

+ Nắm được phương pháp tổ chức, hình thức hoạt động tuyên truyền;

+ Có hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội trên địa bàn được phân công quản lý;

+ Có kiến thức về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; có một trong các kỹ năng: Thuyết minh, thuyết trình, biểu diễn nhạc cụ, biểu diễn văn nghệ, hội họa, thiết kế, thi công cổ động trực quan hoặc các kỹ năng nghiệp vụ khác phù hợp với hình thức tuyên truyền;

+ Sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ yêu cầu nhiệm vụ;

+ Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

- Tuyên truyền viên văn hóa trung cấp:

+ Nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tuyên truyền;

+ Có kiến thức cơ bản về công tác tuyên truyền và các bộ môn văn hóa nghệ thuật liên quan; có một trong các kỹ năng: Thuyết minh, thuyết trình, biểu diễn nhạc cụ, biểu diễn văn nghệ, hội họa, thiết kế, thi công cổ động trực quan hoặc các kỹ năng nghiệp vụ khác phù hợp với hình thức tuyên truyền;

+ Sử dụng được các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ yêu cầu nhiệm vụ;

+ Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản để thực hiện nhiệm vụ được giao.

2. Nhiệm vụ của các chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa

- Tuyên truyền viên văn hóa chính:

+ Chủ trì xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn, trung hạn, hàng năm về hoạt động tuyên truyền của đơn vị và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

+ Chủ trì biên soạn tài liệu và trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động tuyên truyền cho cơ sở;

+ Chủ trì tổ chức và thực hiện biên tập nội dung chương trình tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; các phong trào, các cuộc vận động lớn; các ngày lễ, kỉ niệm lớn của địa phương và đất nước;

+ Tổ chức biên soạn, biên tập các thể loại tin tức, tài liệu tuyên truyền; sáng tác, dàn dựng chương trình, tiết mục văn nghệ, tuyên truyền lưu động; thiết kế, dàn dựng triển lãm, cổ động trực quan;

+ Tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ hoạt động tuyên truyền.

- Tuyên truyền viên văn hóa:

+ Xây dựng kế hoạch hàng năm về công tác tuyên truyền được giao và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

+ Trực tiếp biên soạn, thiết kế, trình bày các thể loại tin tức, tài liệu tuyên truyền; thực hiện tuyên truyền bằng tin tức, lời nói trực tiếp, thuyết minh, thuyết trình theo đề cương biên tập đã được duyệt;

+ Tham gia tổ chức, dàn dựng chương trình, tiết mục văn nghệ, tuyên truyền lưu động; trực tiếp biểu diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị;

+ Tham gia thiết kế, dàn dựng các triển lãm, cổ động trực quan tại chỗ và lưu động; trực tiếp xây dựng đề cương tổng quát, đề cương chi tiết, biên tập, chú thích hình ảnh theo chủ đề, viết bài, thuyết minh nội dung triển lãm tại chỗ và lưu động.

- Tuyên truyền viên văn hóa trung cấp:

+ Trực tiếp tham gia thực hiện tổ chức, biểu diễn các hoạt động tuyên truyền lưu động, hoạt động văn hóa, văn nghệ và các hình thức tuyên truyền cổ động khác tại chỗ hoặc lưu động phù hợp với nhiệm vụ được giao;

+ Chụp ảnh, quay phim, thực hiện audio làm tư liệu phục vụ nội dung tuyên truyền.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,324

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn