Hội là gì? Điều kiện và hồ sơ thành lập hội

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
10/01/2023 17:30 PM

Hội là gì? Điều kiện và hồ sơ thành lập hội được pháp luật quy định như thế nào? - Phương Khanh (Hà Nội)

Hội là gì? Điều kiện và hồ sơ thành lập hội 

Hội là gì? Điều kiện và hồ sơ thành lập hội 

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hội là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 45/2010/NĐ-CP thì Hội được quy định trong Nghị định 45/2010/NĐ-CP được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; 

Hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, theo khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tên gọi và phạm vi hoạt động của hội như sau:

- Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hội).

- Phạm vi hoạt động của hội (theo lãnh thổ) gồm:

+ Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh;

+ Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh);

+ Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện);

+ Hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã).

2. Điều kiện thành lập hội

Điều kiện thành lập hội theo Điều 5 Nghị định 45/2010/NĐ-CP như sau:

- Có mục đích hoạt động không trái với pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ.

- Có điều lệ;

- Có trụ sở;

- Có số lượng công dân, tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội:

+ Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất một trăm công dân, tổ chức ở nhiều tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

+ Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm mươi công dân, tổ chức trong tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

+ Hội có phạm vi hoạt động trong huyện có ít nhất hai mươi công dân, tổ chức trong huyện có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

+ Hội có phạm vi hoạt động trong xã có ít nhất mười công dân, tổ chức trong xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;

+ Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có phạm vi hoạt động cả nước có ít nhất mười một đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; 

Hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký thanh gia thành lập hiệp hội.

Đối với hội nghề nghiệp có tính đặc thù chuyên môn, số lượng công dân và tổ chức tự nguyện đăng ký tham gia thành lập hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 45/2010/NĐ-CP này xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể.

3. Hồ sơ xin phép thành lập hội

Hồ sơ xin phép thành lập hội theo Điều 7 Nghị định 45/2010/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 33/2012/NĐ-CP) như sau:

- Đơn xin phép thành lập hội.

- Dự thảo điều lệ.

- Danh sách những người trong ban vận động thành lập hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

- Lý lịch tư pháp người đứng đầu ban vận động thành lập hội.

- Văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở của hội.

- Bản kê khai tài sản do các sáng lập viên tự nguyện đóng góp (nếu có).

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 37,334

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn