Tải App trên Android

Phòng thủ dân sự là gì? Nhiệm vụ phòng thủ dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
10/12/2022 10:00 AM

Phòng thủ dân sự là gì? Và nhiệm vụ phòng thủ dân sự hiện nay được quy định thế nào? - Kim Anh (Tây Ninh)

Phòng thủ dân sự là gì? Nhiệm vụ phòng thủ dân sự

Phòng thủ dân sự là gì? Nhiệm vụ phòng thủ dân sự (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Phòng thủ dân sự là gì?

Theo khoản 1 Điều 13 Luật Quốc phòng 2018 thì phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

2. Nhiệm vụ phòng thủ dân sự

Nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo khoản 2 Điều 13 Luật Quốc phòng 2018 bao gồm:

- Xây dựng cơ chế hoạt động, kế hoạch phòng thủ dân sự;

- Tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, diễn tập;

- Xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự;

- Xây dựng hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin, nghiên cứu dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động;

- Thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự.

3. Lực lượng phòng thủ dân sự

Theo khoản 3 Điều 13 Luật Quốc phòng 2018 quy định về lực lượng phòng thủ dân sự như sau:

- Lực lượng nòng cốt gồm Dân quân tự vệ; Công an xã, phường, thị trấn; lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các Bộ, ngành trung ương, địa phương;

- Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.

4. Nội dung quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự

Nội dung quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự theo Điều 4 Nghị định 02/2019/NĐ-CP như sau:

- Nội dung quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự bao gồm:

+ Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án, dự án về phòng thủ dân sự;

+ Ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự;

+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về phòng thủ dân sự;

+ Chỉ đạo, điều hành phòng thủ dân sự;

+ Tổ chức đào tạo, huấn luyện, diễn tập, xây dựng lực lượng, trang bị, phương tiện, công trình phòng thủ dân sự;

+ Quy định và hướng dẫn bảo đảm ngân sách cho hoạt động phòng thủ dân sự;

+ Thẩm định, phê duyệt các dự án, thiết kế và nghiệm thu công trình xây dựng về phòng thủ dân sự; kiểm định và chứng nhận các điều kiện an toàn về phương tiện và an toàn phòng thủ dân sự;

+ Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, phổ biến tiến bộ khoa học và công nghệ về phòng thủ dân sự;

+ Hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự;

+ Kiểm tra, thanh tra nhà nước về phòng thủ dân sự;

+ Tổ chức thống kê nhà nước về phòng thủ dân sự;

+ Sơ kết, tổng kết, khen thưởng, xử lý vi phạm về phòng thủ dân sự.

- Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự:

+ Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự;

+ Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự;

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự thuộc lĩnh vực được phân công trên phạm vi cả nước;

+ Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự tại địa phương.

5. Chiến lược quốc gia về phòng thủ dân sự

Chiến lược quốc gia về phòng thủ dân sự theo Điều 5 Nghị định 02/2019/NĐ-CP như sau:

- Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự được xây dựng theo chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 20 năm và được cập nhật, điều chỉnh định kỳ 05 năm hoặc khi có thảm họa, chiến tranh.

- Cơ sở xây dựng chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự:

+ Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng thủ dân sự, phòng thủ đất nước và phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh trong khu vực phòng thủ các cấp;

+ Thực tiễn hoạt động phòng thủ dân sự của quốc gia;

+ Kết quả xác định, đánh giá, phân vùng có nguy cơ thảm họa;

+ Nguồn lực cho hoạt động phòng thủ dân sự.

- Nội dung chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự, gồm: Quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp chương trình, đề án, dự án trọng điểm và việc tổ chức thực hiện phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 25,545

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]