Tăng mức đóng bảo hiểm y tế tối đa năm 2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Võ Ngọc Nhi
23/11/2022 13:40 PM

Xin hỏi là lương cơ sở thay đổi có ảnh hưởng đến mức đóng bảo hiểm y tế tối đa hay mức đóng bảo hiểm y tế của hộ gia đình? - Duy Toàn (Trà Vinh)

Tăng mức đóng BHYT tối đa năm 2023

Tăng mức đóng bảo hiểm y tế tối đa năm 2023

1. Mức dóng bảo hiểm y tế tối đa năm 2023

1.1. Căn cứ đóng bảo hiểm y tế

Căn cứ Điều 14 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2014 quy định về tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế như sau:

- Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

- Đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương, tiền công tháng được ghi trong hợp đồng lao động.

- Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.

- Đối với các đối tượng khác thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là mức lương cơ sở;

- Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng bảo hiểm y tế là 20 lần mức lương cơ sở.

1.2. Mức đóng bảo hiểm y tế

Tại khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2014 quy định về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế được quy định như sau:

- Mức đóng hằng tháng của người lao động tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.

Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì:

Mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

- Mức đóng hằng tháng của người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã tối đa bằng 6% mức lương cơ sở, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3;

- Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2014 tối đa bằng 6% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

- Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2014 tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

- Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2014 tối đa bằng 6% tiền trợ cấp thất nghiệp và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng;

- Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2014 tối đa bằng 6% tiền lương tháng đối với người hưởng lương, tối đa bằng 6% mức lương cơ sở đối với người hưởng sinh hoạt phí và do ngân sách nhà nước đóng;

- Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2014 tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng;

- Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm n khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2014 tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng đóng;

- Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2014 tối đa bằng 6% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng;

- Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2014 tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do đối tượng đóng theo hộ gia đình.

1.3. Mức đóng bảo hiểm y tế tối đa năm 2023

Mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP)

Mức lương cơ sở từ 01/07/2023 là 1.800.000 đồng/tháng (theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023)

Như vậy, mức đóng bảo hiểm y tế tối đa năm 2023 sẽ có 02 mức cụ thể như sau:

Mức đóng bảo hiểm y tế tối đa đến 30/6/2023

(Đơn vị: VNĐ)

Mức đóng bảo hiểm y tế tối đa từ 01/7/2023

(Đơn vị: VNĐ)

29.800.000

36.000.000

2. Phương thức đóng bảo hiểm y tế

Căn cứ Điều 15 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2014 quy định về phương thức đóng bảo hiểm y tế như sau:

- Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để:

Nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế.

- Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không trả lương theo tháng thì:

Định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế.

- Hằng tháng, tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2014 vào quỹ bảo hiểm y tế.

- Hằng quý, cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2014 vào quỹ bảo hiểm y tế.

- Hằng quý, ngân sách nhà nước chuyển số tiền đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại các điểm e, g và i khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi 2014 vào quỹ bảo hiểm y tế.

- Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, đại diện hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng vào quỹ bảo hiểm y tế.

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,517

Bài viết về

Bảo hiểm y tế

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn