Hướng dẫn cập nhật thông tin căn cước công dân trên VssID

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
22/11/2022 17:02 PM

Tôi vừa đổi CMND sang CCCD nhưng trên ứng dụng VssID vẫn hiện thông tin CMND cũ. Vậy làm sao để đổi lại số CMND trên VssID thành số CCCD cho phù hợp? - Thảo Nhi (TP.HCM)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các bước cập nhật thông tin căn cước công dân trên VssID

Hiện nay, người dùng có thể thay đổi thông tin cá nhân, số CMND sang số CCCD trên ứng dụng VssID - BHXH Việt Nam thông qua Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam.

Cụ thể các bước cập nhật số CMND/CCCD như sau:

Bước 1: Truy cập Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại đường link sau đây: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/#/index

Truy cập Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Bước 2: Đăng nhập tài khoản VssID theo mã số BHXH và mật khẩu do cơ quan BHXH cung cấp.

Đăng nhập tài khoản VssID

Bước 3: Ngay tên người dùng tại góc phải màn hình, chọn Thông tin tài khoản.

chọn Thông tin tài khoản

Bước 4: Nhập lại số CMND/CCCD và cập nhật lại ảnh mặt trước và mặt sau của CMND/CCCD mới.

Nhập lại số CMND/CCCD

Bước 5: Nhập mã kiểm tra và ấn Ghi nhận.

Nhập mã kiểm tra và ấn Ghi nhận

Bước 6: Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ gửi cho người dùng một mã xác thực qua email mà người dùng đã đăng ký trên hệ thống VssID. Người dùng nhập mã xác thực và chọn Xác nhận để kết thúc quá trình.

Nhập mã xác thực và chọn Xác nhận

Sau đó, BHXH Việt Nam sẽ thông báo hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin đã được cập nhật. Thông tin của người dùng sẽ được thay đổi khi hồ sơ được phê duyệt.

2. Cá trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

Theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014, các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân bao gồm:

- Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:

+ Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014;

+ Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

+ Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

+ Xác định lại giới tính, quê quán;

+ Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

+ Khi công dân có yêu cầu.

- Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

+ Bị mất thẻ Căn cước công dân;

+ Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

3. Thủ tục làm căn cước công dân gắn chip

Hiện nay, người dân muốn đổi từ CMND sang CCCD gắn chip cần thực hiện 04 bước sau:

Bước 1: Yêu cầu cấp thẻ căn cước công dân gắn chip

- Công dân trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền để đề nghị cấp thẻ căn cước công dân.

+ Đối với trường hợp công dân đề nghị cấp thẻ căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì công dân lựa chọn dịch vụ, kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

+ Đối với trường hợp thông tin đã chính xác thì đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp thẻ căn cước công dân gắn chip thì hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của công dân về cơ quan Công an nơi công dân đề nghị.

Trường hợp công dân kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu thông tin của công dân chưa có hoặc có sai sót thì công dân mang theo giấy tờ hợp pháp để chứng minh nội dung thông tin khi đến cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân gắp chip.

Bước 2: Tiếp nhận đề nghị cấp căn cước công dân gắn chip

Sau khi tiếp nhận đề nghị cấp căn cước công dân gắn chip thì Cán bộ thu nhận thông tin công dân tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp thẻ.

Bước 3: Chụp ảnh, thu thập vân tay

- Cán bộ tiến hành mô tả đặc điểm nhân dạng của công dân, chụp ảnh, thu thập vân tay để in trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân gắn chip cho công dân kiểm tra, ký tên.

- Ảnh chân dung của công dân khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân là ảnh màu, phông nền trắng, chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính; trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự.

- Đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được mặc lễ phục tôn giáo, trang phục dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên nhưng phải đảm bảo rõ mặt, rõ hai tai.

Bước 4: Nộp lệ phí, trả kết quả

Công dân nộp lệ phí, sau đó nhận giấy hẹn trả thẻ căn cước công dân. Người dân đi nhận căn cước công dân gắn chip tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian ghi trên giấy hẹn hoặc trả qua đường bưu điện (công dân tự trả phí).

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 110,248

Bài viết về

lĩnh vực Bảo hiểm

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn