Cảnh sát môi trường là ai? Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
09/11/2022 12:00 PM

Cảnh sát môi trường là ai? Và nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường hiện nay được quy định thế nào? - Yến Trang (Vĩnh Long)

Cảnh sát môi trường là ai? Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường

Cảnh sát môi trường là ai? Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cảnh sát môi trường là ai?

Theo Điều 3 Pháp lệnh Cảnh sát môi trường 2014 thì Cảnh sát môi trường là lực lượng chuyên trách thuộc Công an nhân dân thực hiện chức năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường; chủ động, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tài nguyên và an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường

Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường theo Điều 7 Pháp lệnh Cảnh sát môi trường 2014 như sau:

- Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật;

- Áp dụng các biện pháp công tác công an để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật;

- Tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật;

- Tiến hành điều tra các tội phạm về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường theo quy định của pháp luật;

- Tiến hành các hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm khi trực tiếp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính hoặc khi có tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm hành chính theo quy định của luật.

Việc kiểm tra phải có quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan Cảnh sát môi trường thuộc Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyết định bằng văn bản của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

- Xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

- Trong trường hợp cần thiết, cấp bách được quyền huy động người, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật;

- Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của luật; sử dụng thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật;

- Thu giữ mẫu vật, tài liệu, vật chứng liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính để kiểm định hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm định, giám định;

- Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường theo quy định của luật;

- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm theo quy định của Chính phủ;

- Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an;

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với Cảnh sát môi trường

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với Cảnh sát môi trường theo khoản 1 Điều 6 Pháp lệnh Cảnh sát môi trường 2014 như sau:

- Các hành vi không được làm theo quy định của Luật Công an nhân dân;

- Cố ý bỏ lọt tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm;

- Lợi dụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát môi trường để gây phiền hà, sách nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 22,502

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn