Công dân là gì? Các quyền cơ bản của công dân Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
20/10/2022 14:25 PM

Tôi muốn hỏi hiện nay công dân Việt Nam được hưởng những quyền cơ bản nào? Những quyền đó được quy định ở đâu? - Văn Khôi (Hải Dương)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Công dân là gì?

Theo Điều 17 Hiến pháp 2013, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.

Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác. Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ.

Công dân là gì? Các quyền cơ bản của công dân Việt Nam

Công dân là gì? Các quyền cơ bản của công dân Việt Nam

2. Các quyền cơ bản của công dân Việt Nam

Các quyền cơ bản của công dân Việt Nam được quy định từ Điều 19 đến Điều 43 Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể:

- Quyền được sống:

Điều 19 Hiến pháp 2013 đã quy định mọi người đều có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.

- Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm:

Theo Điều 20 Hiến pháp 2013 ghi nhận:

+ Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

+ Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.

+ Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.

- Quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư, được bảo vệ danh dự, uy tín:

Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Đồng thời, mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

- Quyền có nơi ở hợp pháp, bất khả xâm phạm về nơi ở:

+ Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

+ Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

+ Việc khám xét chỗ ở do luật định.

(Căn cứ Điều 22 Hiến pháp 2013)

- Quyền tự do đi lại, cư trú:

Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo:

Hiến pháp 2013 quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như sau:

+ Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

+ Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 

+ Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

- Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí:

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

- Quyền được bình đẳng về giới tính:

Theo Hiến pháp 2013, công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.

Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

- Các quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý nhà nước, biểu quyết khi trưng cầu dân ý:

+ Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

+ Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

+ Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

- Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

- Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.

- Quyền được làm việc:

+ Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.

+ Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.  

+ Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.

- Một số quyền khác của công dân Việt Nam:

+ Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.

+ Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó.

+ Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.

+ Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.

+ Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường…

Xem thêm các quyền khác của công dân Việt Nam tại Hiến pháp 2013

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 218,528

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]