Thế nào là đối thoại tại Tòa án? Các trường hợp không tiến hành đối thoại tại Tòa án

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
18/10/2022 11:15 AM

Xin cho hỏi thế nào là đối thoại tại Tòa án? Những trường hợp nào không tiến hành đối thoại tại Tòa án? - Văn Mạnh (Quảng Ngãi)

Thế nào là đối thoại tại Tòa án? Các trường hợp không tiến hành đối thoại tại Tòa án

Thế nào là đối thoại tại Tòa án? Các trường hợp không tiến hành đối thoại tại Tòa án

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là đối thoại tại Tòa án?

Theo khoản 3 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.

2. Các trường hợp không tiến hành đối thoại tại Tòa án

Những trường hợp không tiến hành đối thoại tại Tòa án được quy định tại Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 cụ thể như sau:

- Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

- Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

- Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng.

- Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

- Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại.

- Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015.

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

3. Phương thức đối thoại tại Tòa án

Cụ thể tại Điều 22 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, phương thức đối thoại tại Tòa án được quy định như sau:

- Hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành trong một hoặc nhiều phiên.

- Việc hòa giải, đối thoại được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án theo lựa chọn của các bên.

- Phiên hòa giải, đối thoại có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc hình thức phù hợp khác theo đề nghị của các bên.

- Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, đối thoại có mặt các bên hoặc gặp riêng từng bên; yêu cầu mỗi bên trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính; đề xuất phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại.

Trường hợp một trong các bên có người đại diện, người phiên dịch thì Hòa giải viên phải mời họ cùng tham gia hòa giải, đối thoại.

4. Thời hạn đối thoại tại Tòa án

Thời hạn đối thoại tại Tòa án được quy định như sau:

- Thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

- Các bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không quá 02 tháng.

(Điều 20 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020)

5. Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia đối thoại tại Tòa án

5.1. Quyền của các bên tham gia đối thoại tại Tòa án

Theo khoản 1 Điều 8 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, các bên tham gia đối thoại tại Tòa án có các quyền sau đây:

- Đồng ý hoặc từ chối tham gia hòa giải, đối thoại hoặc chấm dứt hòa giải, đối thoại;

- Trực tiếp hoặc thông qua người đại diện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 25 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 tham gia hòa giải, đối thoại;

- Lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính.

Trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện thì có thể lựa chọn Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh;

- Đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020;

- Tự bố trí hoặc đề nghị Hòa giải viên bố trí phiên dịch trong trường hợp người tham gia hòa giải, đối thoại là người không biết tiếng Việt, người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn;

- Yêu cầu Hòa giải viên, người tham gia hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, Thẩm phán tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại giữ bí mật thông tin do mình cung cấp;

- Bày tỏ ý chí, đề xuất phương thức, giải pháp giải quyết tranh chấp, yêu cầu, khiếu kiện; thống nhất về nội dung hòa giải, đối thoại;

- Yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành;

- Yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành;

- Đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.

5.2. Nghĩa vụ của các bên tham gia đối thoại tại Tòa án

Các bên tham gia đối thoại tại Tòa án phải thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ được quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, cụ thể như sau: 

- Tuân thủ pháp luật;

- Tham gia hòa giải, đối thoại với tinh thần thiện chí, hợp tác để thúc đẩy quá trình hòa giải, đối thoại đạt kết quả tích cực; trình bày chính xác tình tiết, nội dung của vụ việc, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc theo yêu cầu của Hòa giải viên;

- Chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình cung cấp trong quá trình hòa giải, đối thoại; nếu thông tin, tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thi kết quả hòa giải, đối thoại bị vô hiệu; trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự; nếu gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

- Tôn trọng Hòa giải viên và các bên có liên quan; thực hiện các yêu cầu của Hòa giải viên theo quy định Điều 8 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020;

- Chấp hành quy chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

- Thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,609

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn