Thủ tục khai mạc phiên tòa dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
17/10/2022 16:20 PM

Xin hỏi là trong phiên tòa dân sự thì thủ tục khai mạc phiên tòa gồm các bước nào? - Quốc Bình (Quảng Ngãi)

Thủ tục khai mạc phiên tòa dân sự

Thủ tục khai mạc phiên tòa dân sự

Bước 1: Thực hiện việc khai mạc phiên tòa dân sự

Căn cứ Điều 239 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về khai mạc phiên tòa như sau:

- Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

- Thư ký phiên tòa báo cáo Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và lý do vắng mặt.

- Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và kiểm tra căn cước của đương sự, người tham gia tố tụng khác.

- Chủ tọa phiên tòa phổ biến quyền, nghĩa vụ của đương sự và của người tham gia tố tụng khác.

- Chủ tọa phiên tòa giới thiệu họ, tên những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch.

- Chủ tọa phiên tòa hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch xem họ có yêu cầu thay đổi ai không.

- Yêu cầu người làm chứng cam kết khai báo đúng sự thật, nếu khai không đúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.

- Yêu cầu người giám định, người phiên dịch cam kết cung cấp kết quả giám định chính xác, phiên dịch đúng nội dung cần phiên dịch.

Bước 2: Giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch

Tại Điều 240 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 Giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch như sau:

Trường hợp có người yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch thì Hội đồng xét xử phải xem xét, quyết định theo thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; trường hợp không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.

Bước 3: Xem xét, quyết định hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt

Xem xét, quyết định hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt được quy định tại Điều 241 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

Khi có người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa mà không thuộc trường hợp Tòa án phải hoãn phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai đề nghị hoãn phiên tòa hay không; nếu có người đề nghị thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định theo thủ tục do Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận; trường hợp không chấp nhận thì phải nêu rõ lý do.

Bước 4: Hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu

Thủ tục hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu được bắt đầu bằng việc chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự về các vấn đề sau đây:

- Hỏi nguyên đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không.

- Hỏi bị đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố hay không.

- Hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu độc lập hay không.

(Điều 243 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Bước 5: Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu

- Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.

- Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút.

(Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Bước 6: Thay đổi địa vị tố tụng

- Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố của mình thì bị đơn trở thành nguyên đơn và nguyên đơn trở thành bị đơn.

- Trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.

(Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Bước 7: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự

- Chủ tọa phiên tòa hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không;

Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thỏa thuận của họ là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án.

- Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Lưu ý: Trước khi hỏi người làm chứng về những vấn đề mà họ biết có liên quan đến việc giải quyết vụ án, chủ tọa phiên tòa có thể quyết định những biện pháp cần thiết để những người làm chứng không nghe được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với những người có liên quan.

Trường hợp lời khai của đương sự và người làm chứng có ảnh hưởng lẫn nhau thì chủ tọa phiên tòa có thể quyết định cách ly đương sự với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng.

(Điều 242, 245 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

>>> Xem thêm: Mẫu đơn xin tạm hoãn phiên tòa năm 2022? Các trường hợp được hoãn phiên tòa trong vụ án dân sự và hình sự?

Người làm chứng không đến phiên tòa xét xử vụ án dân sự thì phiên tòa có bị hoãn không? Việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử thì giải quyết như thế nào?

Trường hợp đương sự vắng mặt không có lý do dù đã được triệu tập hợp lệ lần 2 thì xử lý như thế nào?

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,332

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn