Tải App trên Android

5 điều cần biết về công tác phòng không nhân dân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
01/09/2022 08:00 AM

Công tác phòng không nhân dân là gì? Việc thực hiện công tác phòng không nhân dân trong thời bình được quy định như thế nào? - Lệ Giang (Sóc Trăng)

5 điều cần biết về công tác phòng không nhân dân

5 điều cần biết về công tác phòng không nhân dân

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Công tác phòng không nhân dân là gì?

Theo Điều 2 Nghị định 74/2015/NĐ-CP, công tác phòng không nhân dân là một nội dung quan trọng của công tác quốc phòng, quân sự; được xây dựng, hoạt động trong khu vực phòng thủ, là một bộ phận của thế trận quốc phòng toàn dân trên mặt trận đối không nhằm góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thế trận phòng không nhân dân là tổng thể các yếu tố, các lợi thế về địa hình, lực lượng, bố trí trang thiết bị phòng không để tiến hành các hoạt động tác chiến phòng không, phù hợp với kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ.

Địa bàn phòng không nhân dân được xác định là các huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, hoặc những vị trí trọng yếu nằm trong hệ thống phòng thủ của cấp tỉnh và quân khu.

Lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân là tổng hợp các lực lượng, được tổ chức chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp để thực hiện các nhiệm vụ phòng không nhân dân.

(Theo Điều 3 Nghị định 74/2015/NĐ-CP)

2. Phân loại công tác phòng không nhân dân

Sự phân loại trong công tác phòng không nhân dân được quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định 74/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

* Phân loại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác phòng không nhân dân (Điều 11)

- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trọng điểm công tác phòng không nhân dân được xác định là các tỉnh, thành phố có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh hoặc những nơi có các mục tiêu trọng điểm quốc gia và của quân khu.

- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngoài trọng điểm công tác phòng không nhân dân là các tỉnh, thành phố không nằm trong quy định trên.

* Phân loại địa bàn trong công tác phòng không nhân dân (Điều 12)

- Địa bàn trọng điểm phòng công tác không nhân dân được xác định là các huyện, quận, thành phố trực thuộc cấp tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, những nơi có các mục tiêu trọng điểm của tỉnh.

- Địa bàn ngoài trọng điểm phòng không nhân dân là các huyện, quận, thành phố trực thuộc cấp tỉnh không nằm trong quy định trên.

3. Nội dung tổ chức, hoạt động trong công tác phòng không nhân dân

3.1. Nội dung tổ chức, hoạt động trong công tác phòng không nhân dân thời bình

Các nội dung tổ chức, hoạt động trong công tác phòng không nhân dân thời bình được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 74/2015/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng không nhân dân;

- Xây dựng kế hoạch công tác phòng không nhân dân;

- Xây dựng lực lượng, tổ chức huấn luyện, diễn tập nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, xử lý tình huống của các lực lượng tham gia công tác phòng không nhân dân;

- Tổ chức xây dựng công trình phòng tránh, trận địa phòng không trong khu vực phòng thủ và triển khai hệ thống trinh sát, thông báo, báo động phòng không nhân dân;

- Xây dựng quy hoạch các đề án, dự án đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về công tác phòng không nhân dân và phòng thủ dân sự;

- Thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

3.2. Nội dung tổ chức, hoạt động trong công tác phòng không nhân dân thời chiến

Trong thời chiến, ngoài việc thực hiện đầy đủ các nội dung phòng không nhân dân quy định tại mục 2.1, còn phải tập trung các nội dung tổ chức, hoạt động công tác phòng không nhân dân như sau:

- Tổ chức trinh sát, quan sát, phát hiện, thông báo, báo động phòng không nhân dân; quan sát diễn biến các trận tiến công đường không của địch;

- Tổ chức ngụy trang, nghi binh, sơ tán, phân tán, phòng, tránh tiến công đường không của địch;

- Tổ chức đánh địch xâm nhập, tiến công đường không và bảo đảm chiến đấu phòng không nhân dân;

- Tổ chức khắc phục hậu quả và những thiệt hại do địch tiến công đường không.

(Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 74/2015/NĐ-CP)

4. Huấn luyện nghiệp vụ, tổ chức diễn tập công tác phòng không nhân dân

4.1. Huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn trong công tác phòng không nhân dân

Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 74/2015/NĐ-CP, huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn trong công tác phòng không được quy định như sau:

- Huấn luyện kiến thức phổ thông trong công tác phòng không nhân dân;

- Huấn luyện các tổ (đội) chuyên môn trong công tác phòng không nhân dân;

- Huấn luyện lực lượng phòng không nhân dân đánh trả địch xâm nhập tiến công đường không.

4.2. Tổ chức diễn tập trong công tác phòng không nhân dân

Cụ thể tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 74/2015/NĐ-CP, tổ chức diễn tập trong công tác phòng không nhân dân được quy định như sau:

* Nội dung diễn tập

- Diễn tập chỉ huy - tham mưu các cấp;

- Tổ chức trinh sát, thông báo, báo động phòng không;

- Tổ chức ngụy trang, sơ tán, phân tán, phòng tránh;

- Tổ chức đánh trả địch xâm nhập tiến công đường không;

- Tổ chức khắc phục hậu quả.

* Hình thức tổ chức:

Diễn tập phòng không nhân dân hoặc diễn tập phòng không nhân dân kết hợp với diễn tập khu vực phòng thủ của các địa phương.

5. Chế độ chính sách trong công tác phòng không nhân dân

Các chế độ chính sách dành cho những người tham gia công tác phòng không nhân dân được quy định cụ thể tại Điều 24 Nghị định 74/2015/NĐ-CP như sau:

- Những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động tham gia công tác phòng không nhân dân, thời gian huấn luyện, diễn tập phòng không nhân dân, được hưởng chế độ như quy định hiện hành đối với cán bộ, chiến sỹ Dân quân tự vệ không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Khoản 2 Điều 47 Luật Dân quân tự vệ 2019.

- Những người trực tiếp tham gia lực lượng phòng không nhân dân mà bị ốm, bị tai nạn, bị thương, hy sinh thì được hưởng các chế độ theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 Luật Dân quân tự vệ 2019.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,475

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]