Khi nào tiến hành đối chất, nhận dạng trong tố tụng hình sự?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
04/08/2022 11:16 AM

“Tôi là bị hại trong một vụ án hình sự và tôi được mời tham gia đối chất, nhận dạng. Vậy cho tôi hỏi khi nào tiến hành đối chất, nhận dạng và tôi có bắt buộc phải tham gia không?” – Thu Thủy (Sóc Trăng)

Khi nào tiến hành đối chất, nhận dạng trong tố tụng hình sự?

Khi nào tiến hành đối chất, nhận dạng trong tố tụng hình sự?

1. Quy định về đối chất trong tố tụng hình sự

1.1. Khi nào tiến hành đối chất

Theo khoản 1 Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất.

1.2. Một số lưu ý khi tiến hành đối chất

- Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất.

Nếu có người làm chứng hoặc bị hại tham gia thì trước khi đối chất Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.

- Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Sau khi nghe đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm từng người.

- Trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan; có thể để cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và trả lời của những người này phải ghi vào biên bản.

Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai trước đó của họ.

- Biên bản đối chất được lập theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

- Việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

- Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất.

2. Quy định về nhận dạng trong tố tụng hình sự

2.1. Khi nào tiến hành nhận dạng?

Theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi cần thiết, Điều tra viên có thể đưa người, ảnh hoặc vật cho người làm chứng, bị hại hoặc bị can nhận dạng.

2.2. Ai phải tham gia nhận dạng?

Khoản 2 Điều 190 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định những người sau đây phải tham gia việc nhận dạng:

- Người làm chứng, bị hại hoặc bị can;

- Người chứng kiến.

2.3.  Một số lưu ý khi tiến hành nhận dạng

- Số người, ảnh hoặc vật đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và bề ngoài phải tương tự nhau, trừ trường hợp nhận dạng tử thi.

- Trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận dạng. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận dạng. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận dạng.

- Nếu người làm chứng hoặc bị hại là người nhận dạng thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.

- Điều tra viên phải hỏi trước người nhận dạng về những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận dạng được.

+ Trong quá trình tiến hành nhận dạng, Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý.

+ Sau khi người nhận dạng đã xác nhận một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào các vết tích hoặc đặc điểm gì mà xác nhận được người, vật hay ảnh đó.

- Biên bản nhận dạng được lập theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Biên bản ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người nhận dạng và của những người được đưa ra để nhận dạng; đặc điểm của vật, ảnh được đưa ra để nhận dạng; các lời khai báo, trình bày của người nhận dạng; điều kiện ánh sáng khi thực hiện nhận dạng.

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 12,675

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]