Các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
18/07/2022 08:32 AM

Hợp đồng làm việc là hợp đồng được ký giữa viên chức và đơn vị sự nghiệp công lập. Vậy khi nào viên chức, đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc?

Các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

Các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

1. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập

1.1. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

Theo khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức 2010 (được sửa đổi bởi khoản 4, điểm b khoản 12 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019), đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau:

- Viên chức có 02 năm liên tiếp bị xếp loại chất lượng ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ;

- Viên chức bị buộc thôi việc theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 và khoản 1 Điều 57 Luật Viên chức 2010;

- Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 06 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục. Khi sức khỏe của viên chức bình phục thì được xem xét để ký kết tiếp hợp đồng làm việc;

- Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn;

- Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự.

1.2. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập không được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

Khoản 3 Điều 29 Luật Viên chức 2010 quy định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập không được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau:

- Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn, đang điều trị bệnh nghề nghiệp theo quyết định của cơ sở chữa bệnh, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức 2010;

- Viên chức đang nghỉ hàng năm, nghỉ về việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cho phép;

- Viên chức nữ đang trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động.

1.3. Thời hạn báo trước khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức 2010, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải báo cho viên chức biết trước trong khoảng thời hạn như sau:

- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hoặc

- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn.

Đối với viên chức do cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tuyển dụng, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định sau khi có sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.

(Khoản 2 Điều 29 Luật Viên chức 2010)

2. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức

2.1. Trường hợp viên chức được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

* Đối với viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn:

Theo khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức 2010 thì viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:

- Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;

- Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;

- Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;

- Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;

- Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;

- Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.

* Đối với viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn:

Theo khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức 2010 thì viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn khi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc chỉ cần tuân thủ thời hạn báo trước tại mục (2.2) mà không cần có lý do.

2.2. Thời hạn báo trước khi viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

* Đối với viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn:

Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước trong khoảng thời gian như sau:

- Ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp:

+ Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;

+ Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;

+ Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;

+ Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;

+ Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.

- Ít nhất 30 ngày đối với trường hợp: Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.

(Khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức 2010)

* Đối với viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn:

Theo khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức 2010, viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước khoảng thời gian sau:

- Ít nhất 03 ngày trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục;

- Ít nhất 45 ngày đối với các trường hợp còn lại.

>>> Xem thêm: Khi NSDLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì có bắt buộc phải thực hiện thông báo bằng văn bản cho NLĐ không?

Đơn phương chấm dứt hợp đồng được pháp luật quy định ra sao? Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật chịu hậu quả pháp lý gì?

Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sau khi được đào tạo nghề thì có phải hoàn trả lại chi phí cho người sử dụng lao động không?

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,469

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn