Bốc bát họ là gì? Cho vay bốc bát họ có phạm luật?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
30/01/2022 15:05 PM

Núp bóng dưới vỏ bọc "hỗ trợ tài chính", bốc bát họ là một trong những hình thức phổ biến của hoạt động cho vay nặng lãi. Vậy điều kiện tham gia như thế nào? Pháp luật có chế tài nào với loại hình cho vay bốc bát họ này?

Bốc bát họ là gì? Cho vay bốc bát họ có phạm luật?

Bốc bát họ là gì? Cho vay bốc bát họ có phạm luật? (Ảnh minh họa)

1.Bốc bát họ là gì?

Bốc bát họ là hình thức cho vay “tín dụng đen” với hình thức vay nhanh chóng, không có tài sản bảo đảm, thời hạn vay ngắn ngày (thường từ 30 đến 50 ngày), lãi suất vay cực cao.

2. Điều kiện tham gia bốc bát họ

Tham gia bốc bát họ khá đơn giản, người vay giao chứng minh nhân dân/căn cước công dân/sổ hộ khẩu hoặc các giấy tờ, tài sản khác mà bên cho vay chấp nhận, hai bên ký tên vào một văn bản ghi nợ và người vay sẽ được nhận tiền.

Tùy theo từng địa phương, vùng miền mà hình thức cho vay bốc bát họ có những biến tướng khác nhau, trong đó có thể kể đến hình thức “vay mười, cầm tám, trả đầy đủ”

Ví dụ: 

- Cho vay 10 triệu thì người vay được cầm 8 triệu. Thời hạn vay là 50 ngày, mỗi ngày người vay phải trả 200 ngàn đồng (bao gồm cả tiền gốc lẫn tiền lãi).

- Cho vay 20 triệu thì người vay được cầm 16 triệu. Thời hạn vay là 50 ngày, mỗi ngày người vay phải trả 400 ngàn đồng (bao gồm cả tiền gốc lẫn tiền lãi).

- Cho vay 30 triệu thì người vay được cầm về 24 triệu. Thời hạn vay là 50 ngày, mỗi ngày người vay phải trả 600 ngàn đồng (bao gồm cả tiền gốc lẫn tiền lãi).

Như vậy, người vay bốc bát họ phải chịu lãi suất rất cao so với quy định tại Bộ luật Dân sự (tối đa 20%năm).

3. Chế tài với hành vi cho vay bốc bát họ

Hình thức cho vay bốc bát họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3.1 Mức xử phạt vi phạm hành chính

Trường hợp người cho vay không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự:

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (theo điểm đ khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Lưu ý: Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

3.2 Có thể bị xử lý về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm với hành vi:

+ Cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức quy định của Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.

+ Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với hành vi thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên.

- Hình thức xử phạt bổ sung gồm: phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nhật Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 23,142

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn