Người cao tuổi phạm tội chịu trách nhiệm hình sự thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
08/01/2022 15:19 PM

Thời gian qua, xuất hiện không ít trường hợp người cao tuổi phạm tội, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy những trường hợp người cao tuổi phạm tội sẽ bị xử lý như thế nào?

Từ vụ Tịnh thất Bồng Lai: Người cao tuổi phạm tội chịu TNHS thế nào?

Từ vụ Tịnh thất Bồng Lai: Người cao tuổi phạm tội chịu TNHS thế nào? (ảnh minh họa)

Người cao tuổi trong pháp luật Việt Nam

- Người cao tuổi theo quy định tại Luật Người cao tuổi 2009 là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

- Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) không quy định cụ thể như thế nào là người cao tuổi mà chỉ đề cập các trường hợp người "già yếu", "người từ đủ 70 trở lên", "người từ đủ 75 tuổi trở lên" trong các quy định xử lý trách nhiệm của người cao tuổi phạm tội hình sự hay người cao tuổi là người bị hại. 

Trách nhiệm hình sự đối với người cao tuổi

- Tình tiết giảm nhẹ TNHS “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên”:

Cụ thể, theo điểm o khoản 1 Điều 51 BLHS, người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

- Được tha tù trước thời hạn có điều kiện:

Theo điểm e khoản 1 Điều 66 BLHS quy định trường hợp người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên được tha tù trước thời hạn có điều kiện như sau:

Thời gian đã chấp hành ít nhất là một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn. (Trừ các trường hợp tại khoản 2 Điều 66 BLHS).

- Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 trở lên:

Theo khoản 2, 3 Điều 40 BLHS, không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là người đủ 75 tuổi trở lên.

- Tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự:

Người đủ 70 tuổi trở lên là ông, bà, cha, mẹ của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi che giấu tội phạm, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của BLHS. (Điều 18 BLHS);

Người đủ 70 tuổi trở lên là ông, bà, cha, mẹ của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi Không tố giác tội phạm, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của BLHS hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Điều 19 BLHS).

Đối tượng “người già yếu” theo BLHS

BLHS 2015 (sửa đổi 2017) sử dụng thuật ngữ “người già yếu” tại rất nhiều điều, khoản. Đơn cử như:

- Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với người già yếu (khoản 4 Điều 36 BLHS);

- Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm về tội danh hành hạ người khác đối với người già yếu (điểm a khoản 2 Điều 140 BLHS);

- Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm về tội danh cướp giật tài sản đối với người già yếu (điểm g khoản 2 Điều 107 BLHS);…

Như vậy, theo các quy định nêu trên, người đủ 70 tuổi trở lên được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, được tha tù trước thời hạn có điều kiện,... và không bị áp dụng hình phạt tử hình với người đủ 75 tuổi trở lên.

Và cũng từ những quy định trên, có thể thấy hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các thuật ngữ “người già yếu”, “người từ 70 tuổi trở lên”. Dẫn đến vướng mắc là người từ đủ 70 trở lên có được xem người già yếu hay không và ngược lại, gây không ít khó khăn trong áp dụng pháp luật.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 18,231

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]