Giải đáp thắc mắc liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu giấy

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trung Tài
22/04/2021 08:38 AM

Trong thời gian vừa qua THƯ VIỆN PHÁP LUẬT nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến sổ hộ khẩu và thu hồi sổ hộ khẩu. Bài viết này sẽ giải đáp những thắc mắc nổi bật về vấn đề này.

Giải đáp thắc mắc liên quan đến việc bỏ sổ hộ khẩu (Ảnh minh họa)

Hỏi: Khi nào nhà nước chính thức thực hiện bỏ sổ hộ khẩu ?

Trả lời: Theo Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 thì sẽ không thực hiện cấp mới sổ hộ khẩu từ ngày 01/7/2021. Tuy nhiên, sổ hộ khẩu đã được cấp sẽ được sử dụng đến ngày 31/12/2022.

Hỏi: Có phải tất cả sổ hộ khẩu sẽ bị thu hồi từ ngày 1/7/2021 không?

Trả lời: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020,  sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2022 và chỉ thu hồi trong trường hợp công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Không phải tất cả người dân phải tự mang sổ cũ đi nộp từ 01/7/2021; sổ đã cấp nếu không có thay đổi gì thì vẫn được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2022.

Ví dụ: A có hộ khẩu ở quận B, nhưng khi A đến đăng ký chuyển sang một địa chỉ khác, khi đó thông tin trong sổ hộ khẩu về nơi thường trú sẽ thay đổi thì trong quá trình làm thủ tục công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu đó.

Hỏi: Nếu bỏ sổ hộ khẩu thì chứng minh nơi thường trú và xác định nhân thân bằng cách nào?

Trả lời: Theo Khoản 3 Điều 22 Luật Cư trú 2020

“Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do."

Do đó, những thay đổi về nơi thường trú sẽ được cơ quan Công an cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 37 Luật Cư trú 2020 thì hệ thống cơ sỡ dữ liệu quốc gia sẽ cập nhật thông tin liên quan đến họ, tên, ngày tháng sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại...

Như vậy, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, công dân chỉ cần xuất trình thẻ CMND/CCCD, cơ quan có thẩm quyền sẽ tra cứu được các thông tin cư trú, nhân thân.

Hỏi: Thu hồi sổ hộ khẩu thì thủ tục đăng ký nhập học, đăng ký xe, hồ sơ nhà đất... thực hiện thế nào?

Trả lời: Thu hồi sổ hộ khẩu đồng nghĩa với việc toàn bộ thông tin của công dân trên sổ hộ khẩu bị thu hồi đã được cập nhật đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Mục đích của việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu trước đây là để xác nhận các thông tin nhân thân của cá nhân. Vì vậy, khi thực hiện thủ tục liên quan cần sổ hộ khẩu trước đây thì nay sẽ khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu dân cư để xác nhận mà không phải xuất trình sổ hộ khẩu nữa.

Hỏi: Khi bỏ sổ hộ khẩu, nếu muốn thay đổi thông tin liên quan đến sổ hộ khẩu như thay đổi chủ hộ, thông tin hộ tịch.. thì phải làm thế nào?

Trả lời: Để thực hiện điều chỉnh thông tin liên quan đến sổ hộ khẩu, công dân cần thực hiện theo quy định tại Điều 26 Luật Cư trú 2020 như sau:

Hồ sơ điều chỉnh thông tin về cư trú gồm:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc điều chỉnh thông tin.

Thủ tục điều chỉnh thông tin về cư trú được thực hiện như sau:

Thành viên hộ gia đình nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký cư trú. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm điều chỉnh thông tin về chủ hộ trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho thành viên hộ gia đình về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối điều chỉnh thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Hỏi: Khi bỏ sổ hộ khẩu, người dân muốn biết và khai thác thông tin liên quan được ghi trong sổ hộ khẩu của mình bằng cách nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 37 Luật Cư trú 2020 thì hệ thống cơ sỡ dữ liệu quốc gia sẽ cập nhật thông tin liên quan đến họ, tên, ngày tháng sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại...

Do đó người dân muốn biết và khai thác thông tin thì thực hiện theo 2 cách được quy định tại Nghị định 137/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 37/2021/NĐ-CP:

- Khai thác bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gửi người có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định này.

+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin: trường hợp đồng ý cho phép khai thác thông tin thì có văn bản trả lời và cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân và trường hợp không đồng ý cho phép khai thác thông tin thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

- Khai thác thông qua dịch vụ nhắn tin

Công dân thực hiện khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua dịch vụ nhắn tin theo hướng dẫn của Bộ Công an.

- Khai thác thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Như vậy, khi người dân muốn biết thông tin liên quan đến cư trú thì thực hiện khai thác theo hướng dẫn nêu trên.

Trung Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 47,058

Bài viết về

lĩnh vực Hộ tịch – Cư trú – Quyền dân sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]